NSNA Lê Hải: Ảnh flycam chỉ có lợi thế về góc máy trên cao
Vừa qua, trong giới chơi ảnh nghệ thuật đã có nhiều tranh luận xung quanh các bức ảnh được chụp bằng thiết bị flycam; đặc biệt là những tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Hải, Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh - Hội VHNT Tiền Giang; người đầu tiên sắm “máy bay” chụp ảnh tại Tiền Giang.
PV: Trên một số diễn đàn, có ý kiến không bằng lòng với những ảnh nghệ thuật đạt giải được chụp bằng flycam. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
NSNA Lê Hải: Một tác phẩm ảnh nghệ thuật được đánh giá cao, ngoài các yếu tố : Ánh sáng, bố cục, khoảnh khắc, màu sắc, chi tiết ảnh v.v..., thì yếu tố " góc máy " cũng góp phần làm cho bức ảnh ấn tượng và thu hút ánh nhìn của người thưởng lãm. Thời gian qua, trong ảnh nghệ thuật các NSNA đã khai thác rất nhiều và có hiệu quả từ góc máy, như chụp ở góc độ tầm trung, và đặc biệt ấn tượng ở góc độ cực thấp ( máy ảnh đặt sát mặt đất, mặt nước ) của ống kính góc rộng (wide lens).
Để có góc máy lạ hơn, cao hơn; các tay máy phải trèo lên các ngọn cây; đeo trên cần cẩu xe cơ giới, đứng trên các tòa nhà cao tầng... Cụ thể, là tháp tùng theo máy bay trực thăng như nhà báo Giản Thanh Sơn; leo lên tháp ăng ten Bưu điện tỉnh để chụp TP. Mỹ Tho của nhiếp ảnh gia Duy Anh; hay treo máy cho bay lên bởi chùm bong bóng bay như nhiếp anh gia Trần Thanh Sang, hoặc tự chế cây sào đưa máy lên cao như các anh NSNA ở Đồng Tháp.....
Tất cả các cách trên là nhằm để chụp những bức ảnh có góc máy từ độ cao. Thời gian gần đây, khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho các tay máy thực hiện ý muốn của mình, là thiết bị bay trên không có gắn theo chiếc máy ảnh được điều khiển từ xa bởi người chụp thông qua thiết bị điều khiển có màn hình để kiểm soát hình ảnh cần chụp được truyền từ camera, đó chính là flycam.
Như vậy, flycam chỉ là công cụ hỗ trợ như những thiết bị khác cho máy ảnh như ống kính wide, tele hay macro; flycam chỉ có lợi thế đối với việc chụp các sự kiện lễ hội lớn hay phong cảnh từ độ cao. Không thể phủ nhận những bức ảnh chụp từ flycam miêu tả một quê hương Việt Nam hùng vĩ và tuyệt đẹp; không thể phủ nhận một tác phẩm ảnh thực sự nổi trội trong cuộc thi mà tác giả phải bỏ công sức, trí tuệ và cả nước mắt vì rủi ro để thực hiện nó.
Một góc thị trấn Cái Bè bên sông Tiền - ảnh Lê Hải |
PV: Theo anh thì những ảnh chụp bằng flycam có đủ yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả yếu tố con người ?
Flycam là từ viết tắt của FLY( bay) + CAM (Camera). Đó là thiết bị có thể bay trên không, gắn camera để chụp ảnh hay quay phim theo sự điều khiển của người ở dưới đất. Trước đây, thì Flycam sử dụng đặc biệt nhiều trong lĩnh vực quân sự; ở Mỹ thì hãng phim Hollywood đã sử dụng nó để có những hình ảnh ấn tượng của những phim bom tấn. Những bức hình chụp ngang mặt hay ở những vị trí thấp dường như không còn hấp dẫn người xem Ở vị trí trên cao nhìn xuống bằng Flycam thì những bức ảnh rất ấn tượng, nó cho người xem một trải nghiệm tuyệt vời, mới lạ; nhất là những ảnh phong cảnh, quê hương. |
NSNA Lê Hải: Đúng vậy, để có bức ảnh đẹp từ flycam, ngoài việc phải biết điều khiển vận hành flycam bay theo ý muốn, người chụp phải biết chọn thời gian và địa điểm cho máy bay cất cánh hợp lý.
Sau khi bay lên ở một độ cao thích hợp, phải điều khiển cho flycam bay ngang qua lại hoặc tới lui hàng ngàn mét để chọn một vị trí sao cho bức ảnh sẽ chụp có đường nét, ánh sáng ấn tượng nhất.
Người chụp phải điều khiển flycam thật nhanh và bấm máy đúng lúc để có thể bắt được những khoảnh khắc tốt nhất, có cảm xúc nhất đối với sự kiện diễn ra bên dưới.
Flycam không thể tự bay và tự chụp được, nó phải do con người có tư duy nghệ thuật điều khiển, mới có thể cho ra những bức ảnh có tính thẩm mỹ cao, trong đó khoảnh khắc bấm máy là rất quan trọng. Cũng không phải bức ảnh nào được chụp bởi flycam là đẹp, nó chỉ có lợi thế về độ cao thôi, để thuyết phục được người xem thì cần có các yếu tố còn lại của nhiếp ảnh; trong đó vai trò của người điều khiển thiết bị rất quan trọng.
Về chất lượng ảnh được chụp từ flycam, con Phantom 3 là chiếc flycam thuộc cỡ tầm thường có độ phân giải 12Mp cũng đủ sức đáp ứng các cuộc thi với cỡ ảnh 30 cmx 45cm.
Còn nếu muốn ảnh chất lượng hơn thì hãy đầu tư thiết bị bay lớn hơn, đủ sức cõng con Sony Alpha 7R II thì chất lượng hình ảnh của rất nhiều máy ảnh cầm tay chuyên nghiệp phải chịu thua. Vì thế, có ý kiến cho rằng ảnh chụp bằng flycam có độ nét không cao thì chưa hẳn.Với những vấn đề trên, không thể nói ảnh chụp bằng flycam không có yếu tố nghệ thuật.
PV: Có ý kiến cho rằng nên có cuộc thi riêng dành cho ảnh flycam, để tạo sự công bằng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật hiện nay?
NSNA Lê Hải: Như trên đã nói, flycam chỉ là một thiết bị phục vụ cho máy ảnh để chụp ảnh trên cao. Vì thế, theo tôi không cần thiết phải tổ chức cuộc thi riêng cho ảnh chụp bằng flycam, thực ra nó chỉ có lợi thế về độ cao mà chúng ta xem nó "ghê gớm " quá, sao phải tạo cho nó một lĩnh vực riêng bằng một cuộc thi ? Ban tổ chức chỉ cần đưa ra đề tài của cuộc thi thì sẽ biết lợi thế thuộc về người chụp có thiết bị nào.
Ví dụ như đề tài " Chân dung người phụ nữ " thì flycam làm sao thuận lợi bằng máy chụp cầm tay với các ống kính wide, normal và tele; còn đề tài "Dòng sông Việt " thì tất nhiên flycam lợi thế hơn. Còn nếu là đề tài tự do thì lợi thế ngang nhau, cụ thể nếu so sánh một ảnh có độ cao tốt, nhưng bố cục, đường nét, ánh sáng không đẹp; ảnh không sống động với một bức ảnh chân dung làm cho người xem cảm xúc bởi tác giả bấm máy ở một khoảnh khắc tuyệt vời; như vậy ảnh được chụp bằng flycam không thể xếp cao hơn được.
Có thể do thiết bị này mới xuất hiện, nên tạo được ấn tượng cho người xem và ban giám khảo, vì thế ở một vài chủ đề nào đó của các cuộc thi; thì ảnh chụp bằng flycam có lợi thế; nhưng theo thời gian khi đã nhìn “quen mắt” thì lợi thế này chưa hẳn sẽ còn.
PV: Xin cám ơn anh.
DUY SƠN (thực hiện)