Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:52 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới: Các tổ chức sản xuất hiệu quả đến đâu?

Hình thức tổ chức sản xuất được xem là tiêu chí dễ mà khó trong thực hiện theo yêu cầu Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 81/139 xã đạt tiêu chí số 13 này. Tuy nhiên, thực chất mức đạt, chất lượng đạt cũng như tính bền vững của các tổ chức sản xuất trên như thế nào cũng còn nhiều băn khoăn!

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ nông thôn Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) là một trong những đơn vị kinh tế tập thể được thành lập và hoạt động khá lâu (năm 2001 đến nay). Đây cũng là một trong những HTX được đánh giá hoạt động có hiệu quả. Dù vậy, trong ngần ấy thời gian, HTX vẫn luôn loay hoay trong tình trạng thiếu vốn; hạn chế trong hoạt động do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 1.950 xã viên, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như cấp nước sinh hoạt, nhà kho, sấy, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Dù được công nhận hoạt động có hiệu quả và quyết định trong việc hoàn thành tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất đưa Bình Nhì đạt chuẩn NTM trong năm 2015 nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, hoạt động của HTX chủ yếu phục vụ trong xã viên.

“Ngoài chi trả lương cho cán bộ, nhân viên, năm 2015 HTX tích lũy được khoảng 150 triệu đồng. Đây chỉ là số tiền tích lũy được từ hoạt động cung ứng các dịch vụ cho xã viên dùng để sửa chữa khi máy móc, đường ống nước bị hư hỏng… chứ thực tế chưa phải là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Lượng chia sẻ.

Các HTX, THT nông nghiệp thường thiếu hoạt động dịch vụ, thiếu vốn, hiệu quả kinh tế thấp.
Các HTX, THT nông nghiệp thường thiếu hoạt động dịch vụ, thiếu vốn, hiệu quả kinh tế thấp.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân về nước sinh hoạt, 1 HTX cấp nước sinh hoạt tại ấp Phú Lợi A (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) đã ra đời. Qua thời gian hoạt động, đến nay, HTX có gần 1.000 xã viên. Để đạt chuẩn NTM, xã Phú Kiết đã chọn HTX này để hoàn thành tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất và xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 này.

Thế nhưng, cũng như các HTX cấp nước khác, nguồn thu của HTX là tiền thu từ cấp nước cho xã viên chủ yếu dùng để trả tiền điện, trả lương cho cán bộ, nhân viên HTX, số tiền còn dư lại tích lũy để sửa chữa khi đường ống hư...

Ông Võ Văn Châu Sẽ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Kiết cho biết, HTX chỉ cấp nước theo hình thức kinh doanh cho khoảng 20 hộ không góp vốn cho HTX. Giá nước do xã viên quyết định và thường không cao nên hàng năm HTX không có tích lũy nhiều (khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm). Vì thế, khi cần đầu tư, sửa chữa lớn, HTX phải kêu gọi xã viên đóng góp.

HTX hoạt động còn như thế, tổ hợp tác (THT) còn khó khăn “trăm bề”. Xã Lương Hòa Lạc đến nay đã đạt 13 tiêu chí (trong đó có tiêu chí số 13) và đăng ký lên NTM năm 2016. Nói về các tổ chức sản xuất trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo), cho biết, xã có 2 THT gồm THT cấp nước và thanh long (xã đang xúc tiến thành lập thêm 2 THT nước).

Được công nhận đạt tiêu chí số 13, xã đánh giá chủ yếu ở mức là THT hoạt động đáp ứng được nhu cầu của tổ viên trên địa bàn, chứ chưa thể nói đạt hiệu quả về sản xuất, kinh doanh. Đối với THT cấp nước, do hoạt động chủ yếu mang tính phục vụ nên giá nước khá thấp. “Trước đây, giá nước được xã viên ấn định chỉ 2.000 đồng/m3, sau đó lên 2.500 đồng/m3… và giờ 5.000 đồng/m3.

Do hoạt động mang tính phục vụ, tương trợ lẫn nhau nên tiền thu từ cấp nước sau khi trả lương cho người quản lý, người đi thu tiền nước, trả tiền điện, THT không còn tích lũy bao nhiêu. Vì thế, vừa qua, khi cần đầu tư giếng khoan mới thay thế giếng khoan cũ (cung cấp nguồn nước không đạt chất lượng), THT không đủ tiền đầu tư, tổ viên phải đóng góp 700.000 đồng để khoan giếng” - ông Nhành cho biết.

Còn THT thanh long Lương Phú, dù được thành lập nhằm góp phần vào phát triển vùng trồng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn nhưng qua hơn 5 năm thành lập, THT chỉ dừng lại ở việc làm đầu mối cho các ngành chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng THT thanh long Lương Phú cho biết, được thành lập năm 2010, được Sở NN&PTNT hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP và đã đạt tiêu chuẩn này nhưng đến nay, THT không ký được hợp đồng tiêu thụ nào nên các tổ viên phải tự tìm đầu ra cho trái thanh long của mình.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, yêu cầu để đạt tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất, xã phải có THT, HTX hoạt động hiệu quả ổn định. Song, thực tế, phần lớn các tổ chức sản xuất được đánh giá đạt tiêu chí số 13 hoạt động rất hạn chế, quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, chủ yếu hoạt động mang tính phục vụ cho xã viên, tổ viên nên hiệu quả kinh tế rất thấp.

Cụ thể, tại 12 xã đã đạt chuẩn NTM, chỉ một vài HTX hoạt động tương đối hiệu quả, các tổ chức sản xuất còn lại hoạt động chủ yếu phục vụ xã viên, tổ viên của đơn vị; không đảm bảo về hoạt động dịch vụ; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hạn chế.

Còn các tổ chức sản xuất được chọn đạt tiêu chí số 13 ở 12 xã đăng ký lên NTM năm 2016 (11/12 xã đạt tiêu chí số 13) hầu hết là THT với hoạt động chủ yếu là cấp nước, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho tổ viên, chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và nếu có cũng chỉ là hình thức. Đặc biệt, trong đó có một số THT thành lập không đúng quy định.

“Có một thực tế là hiện nay các xã xây dựng NTM đều muốn thành lập THT hơn là HTX cho dễ đạt. Thế nhưng, THT có quy mô nhỏ, vốn thấp, thành viên ít, không có tư cách pháp nhân nên sức lan tỏa của tiêu chí cũng như tác động đến các tiêu chí khác không lớn.

Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm củng cố, nâng chất các HTX, THT trên địa bàn để các tổ chức sản xuất trên góp phần thúc đẩy tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn” - ông Hồng đề nghị.

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc đưa tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất vào xây dựng NTM trong điều kiện kinh tế tập thể đang gặp rất nhiều khó khăn đóng vai trò rất quan trọng là đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; tổ chức và thúc đẩy sản xuất trên địa bàn một cách căn cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; đồng thời hỗ trợ thực hiện các tiêu chí khác ở địa phương.

Với việc đánh giá hiệu quả hoạt động các tổ chức sản xuất chưa thuyết phục trong thời gian qua không khéo vô tình sẽ tạo ra “hiệu ứng” ngược trong xây dựng NTM.

NGÔ VĂN

.
.
.