Thứ Sáu, 26/08/2016, 10:20 (GMT+7)
.

Triệt xóa các quán giải khát trá hình: Cần có sự phối hợp đồng bộ

Không khó khăn lắm khi quan sát dọc Quốc lộ 1, chỉ 1 đoạn từ ngã tư Đồng Tâm, xã Tam Hiệp đến xã  Điềm Hy, huyện Châu Thành, đã có trên 50 quán giải khát “thiếu ánh sáng” đang hoạt động. Về hình thức, nhìn chung khá giống nhau: Mái lá lụp xụp, đèn nhấp nháy xanh, đỏ, bên trong sơ sài vài cái võng. Phía trước quán, tiếp viên thường xuyên có mặt để mời gọi. Nhìn vào có thể biết ngay hoạt động trong quán không lành mạnh.

Triển khai quyết định xử phạt hành chính Lê Thị Nhựt Thi.
Triển khai quyết định xử phạt hành chính Lê Thị Nhựt Thi.

Trung tá Nguyễn Văn Bảy, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về trật tự xã hội (TTXH), Công an huyện Châu Thành cho biết:

“Tiếp viên ở các quán giải khát trá hình này phần lớn là nam giả nữ và có sự câu kết để phục vụ khách ở nhiều quán khác nhau. Thủ đoạn của chúng là khi khách vào quán, các tiếp viên gạ gẫm massage kích dục. Ai “mắc bẫy” vào phòng sẽ bị chúng lén móc bóp tiền, điện thoại, máy tính đưa ra ngoài cho một đối tượng khác tẩu tán.

Nếu khách không mang tài sản vào phòng thì chúng ra hiệu cho đối tượng bên ngoài cạy cốp mô tô hoặc mở cửa ô tô để trộm tài sản. Khi người bị mất tài sản báo công an thì chúng đóng cửa quán, tẩu thoát. Thường thì tất cả các quán đều không có tên, thủ đoạn này nhằm làm cho khách đường xa khó xác định được địa điểm khi báo cơ quan chức năng”.

Thực tế, việc tiến hành kiểm tra, xử lý và ngăn chặn hoạt động của các quán giải khát trá hình này đã được các cấp chính quyền địa phương tiến hành thường xuyên, có trường hợp bị khởi tố, cũng có trường hợp xử phạt hành chính với mức phạt rất cao.

Như trường hợp của Lê Thị Nhựt Thi, ngụ xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sang  ấp Trung, xã Long Định mở quán giải khát và tổ chức tiếp viên kích dục cho khách, bị lực lượng CA phát hiện, bắt quả tang và xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng. Đồng thời xử phạt 21 triệu đồng đối với Nguyễn Lê Trung Hiếu, ngụ cùng địa chỉ với Thi vì đã có hành vi trộm tài sản trên xe của khách.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Công an huyện Châu Thành đã kiểm tra, xử lý 14 quán không giấy phép kinh doanh, không đăng ký tiếp viên… Đồng thời, lên kế hoạch triệt xóa các quán giải khát trá hình, qua đó đã bắt quả tang 4 vụ tiếp viên massage kích dục và trộm tài sản của khách, xử phạt hành chính 1 vụ, khởi tố hình sự 3 vụ.

Đơn cử: Giữa tháng 7-2016, Công an huyện Châu Thành bắt quả tang các tiếp viên của 1 quán giải khát không tên thuộc ấp Tây, xã Nhị Bình đang kích dục cho khách và có hành vi trộm tài sản. Đối tượng trộm tài sản bị bắt giữ là Huỳnh Văn Thăng, sinh năm 1988, ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Thăng là nam giả nữ đến làm tiếp viên cho quán, khi có khách vào quán, Thăng ở bên ngoài, lục tìm trộm 1 điện thoại di động và 3 triệu đồng. Khách phát hiện tri hô, lực lượng tuần tra đã kịp thời bắt giữ Thăng cùng tang vật.

Kiểm tra các phòng tại quán cho thấy: Giữa các phòng chúng đều bố trí 1 lỗ thông nhau. Khi trộm được tài sản chúng sẽ chuyền ra. Điều này khẳng định chúng mở quán chỉ với mục đích trộm cắp. 

Điều đáng quan tâm là vừa triệt xóa xong thì chúng lập tức thay người đăng ký kinh doanh và tiếp tục hoạt động. Sau khi vụ việc được phát hiện vài ngày, tổ công tác quay lại tiến hành kiểm tra thì tiếp viên phản đối, không hợp tác. Tổ kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy tờ, tiếp viên lại viện lý do chủ quán đi vắng và không đưa ra 1 loại  giấy tờ nào.

Có trường hợp cùng 1 địa điểm, bị bắt nhiều lần với 1 hành vi nhưng khi đăng ký kinh doanh vẫn được cơ quan chuyên môn cấp phép. Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Chuyên viên phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Châu Thành cho biết:

“Theo quy định khi người dân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì trong vòng 3 ngày làm việc mình phải cấp, không cấp là vi phạm. Ở đây, chúng tôi chỉ phối hợp kiểm tra chứ chưa phối hợp trong cấp phép. Phải thực hiện theo đúng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký kinh doanh. Nếu như bên ngành Công an muốn quản lý cho tốt thì cần có kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh hoặc cấp cao hơn để có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi có chỉ đạo phối hợp trong cấp phép, chúng tôi sẽ thực hiện”.

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Bảy, Đội trưởng Đội CSĐTTP về TTXH cho biết: “Đội sẽ tham mưu Ban Chỉ huy Công an huyện có đề xuất với UBND cùng cấp chỉ đạo cơ quan cấp phép kinh doanh phối hợp rà soát và kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy phép đối với các quán này. Đồng thời phối hợp tổ liên ngành kiểm tra thường xuyên, liên tục, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Công an các xã có liên quan tổ chức chặt chẽ việc quản lý cư trú trên địa bàn phụ trách. Riêng đối với những người có nhu cầu nghỉ chân, giải khát khi đi đường cần chú ý bảo quản tài sản và quan sát khi chọn quán”.

Không riêng địa bàn Châu Thành, ở một số địa phương khác, ven các tuyến giao thông, nhiều nhất là quốc lộ, tỉnh lộ, thực trạng này cũng có xảy ra. Thiết nghĩ, việc đấu tranh, triệt xoá sẽ không quá khó nếu có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ từ các cấp ủy Đảng, lãnh đạo địa phương; sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và các đoàn thể. Đặc biệt là ý thức của mỗi cá nhân trước khi quyết định vào quán. Có như thế thì hoạt động trá hình này mới được dẹp bỏ một cách triệt để.

SONG KHÁNH

.
.
.