Một số ý kiến về bài viết Di tích nhà Bạch Công Tử… trống không
Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang vừa có Báo cáo tổng hợp ý kiến của các sở, ngành liên quan về bài viết Di tích nhà Bạch Công Tử… trống không” đăng trên Báo Thanh Niên ngày 8-8-2016.
Nhà Bạch Công Tử trước khi trùng tu. |
Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Mỹ Tho cho rằng, bài báo ghi “Sau khi tổ chức lễ đón nhận đến nay, di tích vẫn chỉ là ngôi nhà trống không” là không đúng với nội dung nhà báo trao đổi với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố; bởi Phòng và Trung tâm có thông tin về việc Thành ủy Mỹ Tho ban hành Đề án 05-ĐA/TU ngày 15-7-2016 về phát triển thương mại, du lịch đến năm 2020, trong đó có nội dung hoàn thiện nhà Bạch Công Tử để đưa vào khai thác phục vụ du lịch, kèm theo danh mục dự án mời gọi đầu tư và đầu tư từ ngân sách đối với nhà Bạch Công Tử.
Phòng đã phối hợp với Trung tâm lập dự thảo Phương án quản lý, khai thác di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà Bạch Công Tử để trình Sở VH-TT&DL Tiền Giang, Thành ủy và UBND TP. Mỹ Tho xem xét, cho chủ trương, đã được chấp thuận đưa vào đề án, kế hoạch triển khai thực hiện, chứ không phải công nhận di tích cấp tỉnh rồi để di tích trống không như ý kiến chủ quan của tác giả bài báo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang cho biết, nhà Bạch Công Tử là di tích có tính lịch sử - văn hóa, nên cần bảo tồn di sản văn hóa, cũng như góp phần phát triển du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Theo quy định của Luật Di sản, các di tích trước khi được xét để công nhận, về cơ bản di tích đó phải được trùng tu, tôn tạo. Do phụ thuộc vào nguồn kinh phí địa phương, nên đến năm 2014 TP. Mỹ Tho mới trùng tu, tôn tạo xong di tích. Do nhà Bạch Công Tử là di tích có quy mô nhỏ, nên TP. Mỹ Tho chỉ đề nghị công nhận là di tích cấp tỉnh. Năm 2015, TP. Mỹ Tho đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đã được Hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh và ngày 27-1-2016 UBND tỉnh đã có quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là phù hợp theo quy định. Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đã định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch. Nhà Bạch Công Tử là địa điểm nằm trong chương trình khai thác du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Trong thời gian tới, Sở VH-TT-DL Tiền Giang sẽ phối hợp TP. Mỹ Tho (đơn vị tiếp quản và quản lý nhà Bạch Công Tử từ sau ngày 30-4-1975 đến nay) đề xuất bổ sung thêm các hiện vật bên trong, trên cơ sở đó mới quảng bá nhằm thu hút khách du lịch. |
Việc tác giả bài báo nêu “Ông Quân còn cho biết, tại trụ sở Văn phòng Thành ủy và UBND TP. Mỹ Tho hiện còn một số bàn ghế, trường kỷ, tủ thờ xưa cẩn ốc xà cừ…. “tương đối phù hợp” với ngôi nhà Bạch Công Tử, nhiều lần ông định xin về để trưng bày, nhưng chưa dám” là tác giả tự đặt ra, vì vật dụng, tài sản gắn liền cơ quan quản lý, không thể đưa về để trưng bày tại nhà cổ được.
Tác giả ghi “tìm cách xin lại vật dụng ngôi nhà” là không đúng, vì tài sản của Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho không phải xuất phát từ nhà Bạch Công Tử nên không thể xin lại được, viết như vậy dễ tạo sự nhầm lẫn cho người đọc và dụng ý không tốt, chưa lần nào Phòng Văn hóa và Thông tin cũng như Trung tâm Văn hóa TP. Mỹ Tho đặt vấn đề này.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, sau khi Bạch Công Tử chia tay với vợ là Nghệ sĩ cải lương Phùng Há, tài sản lần hồi bán hết, trong đó có căn biệt thự và rạp hát, ông trở nên khánh kiệt, nghèo khó và bệnh tật.
Giữa thập niên 30 của thế kỷ XX, gánh hát Huỳnh Kỳ tan rã do Bạch Công Tử làm ăn thua lỗ, đành bán ngôi nhà và rạp hát cải lương cho ông Lê Ngọc Chiếu. Năm 1963, ông Lê Ngọc Chiếu bán rạp hát cho một người khác chưa rõ tên và rạp được đổi tên là rạp Viễn Trường...
Tháng 5-1950, Bạch Công Tử qua đời ở tuổi 55. Những hiện vật đã bán đi tứ tán, không còn nữa. Về nguồn gốc bộ trường kỷ tại khu nhà làm việc Tỉnh ủy Tiền Giang, các chuyên gia đồ cổ đã khẳng định nó có niên đại rất trễ, sau năm 1975 và là hàng nhái cổ. Việc tác giả bài báo tự gán cho một vật dụng không còn, không phù hợp về loại hình và niên đại vào nhà Bạch Công Tử là không thuyết phục.
Ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang giải trình: Ngày 2-8-2016, phóng viên Hoàng Phương có đến phòng làm việc để hỏi thăm về các tài sản tại nhà Bạch Công Tử. Ông Vũ nói không biết, nhưng có kể cho ông Phương câu chuyện “nghe được” từ anh Dũng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy: “Có một bộ trường kỷ nghe nói có nguồn gốc từ nhà Bạch Công Tử để ở tầng trệt Văn phòng Tỉnh ủy, anh Thép - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy làm ở đây đã lâu, hỏi anh Thép sẽ rành hơn”.
Kết thúc cuộc nói chuyện, ông Vũ nhắc ông Phương cần tìm hiểu thêm vụ việc. Ông Vũ khẳng định: Nếu ông Phương đến tìm hiểu thông tin để viết bài thì ông sẽ không kể và kết thúc câu chuyện ông Phương cũng không nói cần nắm thông tin để viết bài.
Hội Khoa học lịch sử Tiền Giang cho rằng, bộ trường kỷ tại Văn phòng Tỉnh ủy được đóng từ sau năm 1975 nên không thể là bộ trường kỷ từ nhà Bạch Công Tử. Nhà Bạch Công Tử có sắm bộ trường kỷ Tàu hay không là vấn đề cần nghiên cứu. Bởi Bạch Công Tử vốn là người Tây học; nhà Bạch công tử xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp, các hoa văn, tranh vẽ tại phòng khách đều mang văn hóa Pháp và tranh Pháp nên đặt bộ trường kỷ đóng theo kiểu người Tàu tại phòng khách là rất “khó coi”. Hơn nữa, vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Bạch Công Tử đã “sạt nghiệp”, kêu bán cả nhà và rạp hát thì không thể mua bộ trường kỷ để trang trí nội thất cho nhà mình.
Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang đánh giá: Nguồn tin của bài báo chưa chuẩn xác, dễ gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội: Ngôi nhà Bạch Công Tử trống không là do vật dụng trong nhà hiện nằm tại trụ sở các cơ quan như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho. Các trích dẫn trong bài đều mơ hồ, chủ yếu là “nghe nói”, “xác nhận”, chưa khẳng định được tính xác định của lời trích dẫn.
Tác giả có trao đổi, phỏng vấn các ngành có liên quan, nhưng thông tin phản ánh trên báo không đúng với nội dung trao đổi. Thông tin suy diễn, chủ quan không phản ánh đúng bản chất sự việc. Tác giả vi phạm nguyên tắc khi phỏng vấn, cụ thể: Khi trao đổi với ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, tác giả không giới thiệu mục đích cuộc nói chuyện để lấy thông tin viết bài.
Sở Thông tin và truyền thông Tiền Giang đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp thực hiện đúng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định 50/2013/QĐ-UBND ngày 18-12-2013 của UBND tỉnh; đồng thời đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho họp báo cung cấp thông tin xác thực về nội dung mà bài báo nêu; nhận định chi tiết sai, chưa chính xác của bài báo. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang có căn cứ đề nghị Cục Báo chí, Thanh tra Bộ vào cuộc xem xét, xử lý.
SƠN PHẠM