Bảo tồn Làng cổ Đông Hòa Hiệp-giải pháp phát triển du lịch huyện Cái Bè
Những năm gần đây, khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng, với tốc độ bình quân gần
10%/năm. Năm 2015, Tiền Giang đón 1.525.000 lượt khách, trong đó có 517.000 lượt khách quốc tế.
Dự kiến năm 2016, Tiền Giang đón khoảng 1.630.000 khách du lịch, trong đó có gần 600.000 lượt khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách đến tham quan, du lịch tại Tiền Giang, yêu cầu rất quan trọng là phải tăng cường khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, phát triển các sản phẩm mới, dựa trên bản sắc văn hóa địa phương, trong đó việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Cái Bè nói riêng.
Nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt. |
Cùng với Làng Đường Lâm ở Hà Nội và Làng Phước Tích ở Huế, Làng Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”. Từ năm 2011, Sở VH-TT&DL Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè triển khai Dự án tại xã Đông Hòa Hiệp. Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cộng đồng về phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn di sản văn hóa, tôn tạo cảnh quan môi trường trong khu vực làng cổ và giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Làng cổ Đông Hòa Hiệp đến khách du lịch; đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Mở rộng tuyến đường làng, xây dựng cầu đi bộ, nhà nghỉ mát, hệ thống đèn chiếu sáng, bến tàu du lịch… để tạo điểm nhấn cho Làng cổ Đông Hòa Hiệp mang bản sắc văn hóa đặc trưng, nhằm hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, trong Làng cổ Đông Hòa Hiệp có 10 ngôi nhà cổ, 3 ngôi chùa và 1 ngôi đình. Nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, tôn tạo và đã tồn tại hơn 100 năm. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau như ở Làng cổ Đường Lâm hay Làng cổ Phước Tích, mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê, tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt và nhà cổ của ông Phan Văn Đức được xây dựng với kiến trúc độc đáo và lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý, hiếm. Hàng năm, huyện Cái Bè đón trên 100.000 lượt khách. Riêng năm 2015 đón 143.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch (có 129.000 khách quốc tế), trong đó có trên 70.000 lượt khách du lịch đến tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Bên trong ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức. |
Để khai thác nhằm thu hút du khách, huyện Cái Bè đã tổ chức 2 lần lễ hội du lịch tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp (vào năm 2013 và năm 2015). Qua 2 lần tổ chức, đã thu hút gần 10.000 lượt khách mỗi lần, tuy chưa phải là nhiều nhưng bước đầu cho thấy tính đặc trưng và nét độc đáo của lễ hội văn hóa địa phương gắn phát triển du lịch ở huyện Cái Bè. Lễ hội lần thứ ba dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2017. Đây là lễ hội được tổ chức 2 năm/lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian. Đến với Làng cổ Đông Hòa Hiệp, du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách, thật thà của cư dân; nghỉ đêm trong những ngôi nhà cổ (homestay) và cùng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng; được tham quan chợ nổi Cái Bè, làng nghề truyền thống, các khu vườn cây ăn trái ven sông... trong không khí trong lành, hòa quyện cùng không gian yên bình, làm tăng thêm sức hấp dẫn khi đến với di sản văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Đua xuồng trong Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp. |
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cần có sự chung tay góp sức của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, thời gian tới cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu như sau: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa gắn phát triển du lịch; Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân dân đầu tư nâng cấp, bảo tồn các ngôi nhà cổ, nâng cao giá trị di sản văn hóa của địa phương. Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được UBND tỉnh công nhận là lễ hội văn hóa cấp tỉnh, nên chọn ra một ngày phù hợp nhất để tổ chức lễ hội trong năm. Lễ hội được tổ chức 2 năm/lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, cần nghiên cứu để tiến đến mỗi năm tổ chức lễ hội một lần, tạo thành ngày lễ hội truyền thống hàng năm của địa phương và thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá, chào bán tour cho du khách. Bên cạnh đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá trước khi tổ chức lễ hội cho nhân dân và du khách biết. Nhà nước hỗ trợ, cùng xã hội hóa để tổ chức tốt phần lễ cũng như phần hội; đặc biệt trong phần hội cần tổ chức nhiều hoạt động phù hợp bản sắc văn hóa địa phương và đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa; vận động sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch nhằm góp phần nâng cao mức sống người dân địa phương.
TẤN PHONG