Kiến nghị 4 giải pháp để ổn định thị trường nông sản
Ngày 2 và 3-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, vượt qua những khó khăn, thách thức để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét thêm những vấn đề cụ thể liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản phát sinh nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề cử tri ở các địa phương rất quan tâm, phản ánh xuyên suốt trong quá trình tiếp xúc cử tri của tỉnh nhà.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu những nguyên nhân chủ yếu, cơ bản của tình hình sản xuất dư thừa, khó tiêu thụ, giảm giá mạnh và rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đây là những điều không mới mà chúng ta chưa giải quyết một cách căn cơ, làm cho nông dân rơi vào cuộc sống khó khăn và dần dần không mặn mà với vườn, ruộng của mình, cụ thể như sau:
Thứ nhất, do chưa có sự phối hợp tốt của các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu thị trường, phân tích lợi thế của từng sản phẩm nông nghiệp để có phương án sản xuất theo yêu cầu của thị trường nhằm khắc phục tình trạng nông dân sản xuất theo phong trào tự phát, doanh nghiệp chủ yếu tìm cách tiêu thụ những sản phẩm do nông dân làm ra chứ không phải sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm được quy hoạch, chế biến, tiêu thụ xuất phát từ nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, các cơ quan chức năng chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình như cung cấp đầy đủ các thông tin của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp và người dân về nhu cầu hàng hóa, chất lượng sản phẩm, điều kiện cạnh tranh, chưa lựa chọn các vùng sinh thái có lợi nhất để quy hoạch phát triển các loại sản phẩm và có phương án sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Thứ ba, thực hiện chính sách thu hút mời gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn nhưng các doanh nghiệp lại không quan tâm đầu tư vào sản xuất, mà tập trung vào các hoạt động thương mại nhằm cung cấp vật tư đầu vào và mua bán sản phẩm đầu ra, đây chính là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất trong chuỗi giá trị sản xuất của nông sản.
Thứ tư, còn nhiều chính sách chưa phù hợp, trong đó có chính sách về đất đai, bất cập trong việc thực hiện việc dồn điền, đổi thửa chỉ giới hạn trong lý do về kinh tế mà quên đi những tác động về mặt xã hội. Việc thực hiện này chưa được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nghiên cứu có giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích dồn điền, đổi thửa nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.
Thứ năm, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán nhiều hợp đồng thương mại tự do, đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt khi gia nhập thị trường toàn cầu yêu cầu của thị trường đối với nông dân, ngư dân đòi hỏi rất cao, nếu sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được chất lượng sẽ không bán được sản phẩm. Những năm qua, một lượng lớn hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính mà chưa thực hiện hiệu quả việc bứt phá để thâm nhập vào thị trường chất lượng cao, nên việc xuất khẩu luôn phải đối mặt với những rủi ro, bất trắc.
Để khắc phục được tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ trì cùng các địa phương sớm có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện nghiên cứu thị trường, thực hiện quy hoạch, có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, quan tâm đúng mức vị trí của thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, khắc phục tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường dễ tính, để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Để giải quyết, ngăn chặn cơ bản vấn đề “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong tiêu thụ nông sản, trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu, đồng nghĩa với thị trường mở cửa cả hai chiều, trong thời gian tới Chính phủ, các ngành, các cấp cần triển khai đồng bộ các biện pháp sau:
Một là, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế của vùng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là các vùng trọng điểm đang bị tác động kép bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ.
Hai là, cải cách mạnh mẽ việc tổ chức sản xuất. Hiện tại nước ta có 12 triệu hộ nông dân, trong đó hình thức sản xuất tập trung rất ít, chỉ có 29.600 trang trại, tương đương với 29.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chỉ có 1.000 hợp tác xã kiểu mới trong tổng số 9.000 hợp tác xã còn tồn tại trước đây. Hầu như không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết với nông dân qua tổ chức hợp tác xã thì rất khó hình thành vùng sản xuất lớn tập trung. Do đó, cần tiến hành tổng kết, đánh giá ngay việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, nghiên cứu ban hành giải pháp, chính sách về tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa phù hợp với đặc điểm, đời sống văn hóa, tâm lý của từng vùng, miền, nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến hàng hóa tập trung chất lượng cao.
Ba là, đánh giá lại toàn bộ việc triển khai thực hiện chính sách có liên quan đến hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian qua, qua đó loại bỏ những chính sách không thực hiện có hiệu quả nhằm tiết giảm nguồn lực của Nhà nước, đúc rút kinh nghiệm, tập trung nhân rộng các mô hình quản lý, mô hình sản xuất, liên kết sản xuất có hiệu quả cao.
Bốn là, lợi nhuận thu được từ bảo hiểm sản phẩm nông sản là rất thấp, lại rủi ro rất cao, do đó rất khó thu hút được các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông sản cho nông dân. Vì vậy, để phát huy chính sách này, cần có sự tham gia của Nhà nước, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc tái tạo bảo hiểm sản phẩm cho nông dân.
ĐĂNG HIẾU
(tổng hợp)