Nhìn về quá khứ để vững bước tương lai
Đến thăm Khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò trong những ngày đầu tháng giêng năm 2017, thời điểm người người và vạn vật đang trong tâm thế đón chào Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Để có nền độc lập, tự do hôm nay là sự đánh đổi máu xương của bao thế hệ cha anh. Lật lại những trang sử hào hùng của cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, không thể không kể đến chiến công của lực lượng vũ trang Khu 8, bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho và dân quân du kích huyện Cái Bè đã lập nên Chiến thắng Cổ Cò vào ngày 22-1-1947.
Toàn cảnh Khu di tích Chiến thắng Cổ Cò. |
TỪ TRANG SỬ HÀO HÙNG
Ngày 22-1 cách nay tròn 70 năm là ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi. Truyền thống bao đời nay của dân tộc ta, ngày tết là ngày của sum vầy, của yêu thương, nhưng trong thời chiến ác liệt, kẻ thù đã không cho nhân dân ta được hưởng quyền đó.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp ngót gần một thế kỷ, nhưng thực dân Pháp lại ngoan cố tìm cách thủ tiêu thành quả cách mạng của nhân dân ta. Ngay trong ngày 2-9-1945, Pháp đã trở lại nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai. Tại Sài Gòn, tàn quân của Pháp đã nổ súng gây hấn, bắn vào đoàn người dự mít tinh diễu hành mừng Ngày Độc lập, làm 47 người chết và bị thương. Ngày 23-9-1945, quân Pháp đánh chiếm trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, đài phát thanh, nhà bưu điện, ngân hàng, nhà đèn…, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Tý, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đầu năm 1947, nắm được tình hình tiểu đoàn Leon của Pháp đi càn quét vùng Chợ Mới - An Giang (khi đó là tỉnh Long Châu Tiền) và sẽ rút về Sài Gòn, các lực lượng của ta lên kế hoạch phục kích đánh phủ đầu tiểu đoàn này. Lực lượng của ta bao gồm các Chi đội 17, Chi đoàn 18, Đại đội Học viên Trường Quân chính khu 8, Đại đội Dân quân huyện Cái Bè, một số trung đội dân quân các xã An Thái Đông, An Hữu, Hòa Khánh, Hậu Mỹ tham gia trận chiến. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Chi đội trưởng Chi đội 18, đêm 30 tết các lực lượng của ta đã vào vị trí chiến đấu. Trận đánh bắt đầu vào khoảng 10 giờ ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi và kéo dài khoảng 2 giờ. Trong trận đánh, quân ta diệt đại bộ phận tiểu đoàn cơ giới thiện chiến của Pháp, diệt và làm bị thương 170 tên, bắt 15 tên (có tên Trung úy Bernard, người Đức), phá hủy 14 xe quân sự và thu nhiều khí tài.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho rằng, trận đánh Cổ Cò đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Khu 8 và bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho về trình độ tác chiến chỉ huy, bố trí thế trận, sử dụng lực lượng và cách đánh phục kích; thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương cũng như cả nước phát triển mạnh mẽ. Chiến thắng Cổ Cò là trận đánh lớn đầu tiên trên chiến trường Khu 8 kể từ khi hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau Chiến thắng Cổ Cò, tinh thần của quân và dân tỉnh Mỹ Tho càng phấn khởi. Chiến thắng tiếp nối chiến thắng trong tinh thần hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, như Chiến thắng Giồng Dứa (huyện Châu Thành) vào ngày 25-4-1947; hay tại Gò Công, giữa tháng 1-1947, Trung đội Quốc vệ đội đã phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội địch tại xã Tân Thành. Lực lượng bộ đội tham gia trận Cổ Cò lúc đó phần lớn là học viên của Khu 8, nên có thể xem đây là trận mở đầu ra chiến trường. Trận Cổ Cò đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác tham mưu nắm địch, phối hợp nhiều đơn vị, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ trên diện rộng, thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy và trình độ chiến thuật của lực lượng vũ trang Khu 8 sau này…
ĐẾN HÀNH ĐỘNG HÔM NAY
Chiến thắng Cổ Cò là dấu son đỏ thắm của cách mạng miền Nam trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). 70 năm đã trôi qua kể từ đêm mùng 1 Tết Đinh Hợi (năm 1947), bài học chiến đấu, bài học cách mạng của Chiến thắng Cổ Cò mãi âm vang khúc quân hành để chúng ta tự hào và tiếp bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2001. Năm 2015, di tích được xây dựng khang trang trong khuôn viên rộng trên 3.000 m2, thuộc địa bàn xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. Sau khi khánh thành, công trình Khu di tích Chiến thắng Cổ Cò được giao về địa phương quản lý.
Ông Phạm Văn Rắt, một người dân địa phương đã tình nguyện làm người bảo vệ, chăm sóc di tích này. Với ông Rắt, đây là một niềm vinh dự. “Là người dân An Thái Đông, tôi rất tự hào về Chiến thắng Cổ Cò năm xưa. Khu di tích xây dựng xong, tôi và người dân nơi đây ý thức rằng phải bảo vệ và giữ gìn cho di tích đẹp hơn. Đây là nơi để giáo dục cho thế hệ con cháu về tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của ông cha ngày xưa, qua đó nhắc nhở lớp trẻ ý thức giữ gìn, xây dựng quê hương, đất nước” - ông Rắt nói.
Chiều 18-1, hàng trăm đoàn viên, thanh niên của huyện đã tập trung về Khu di tích Chiến thắng Cổ Cò để thắp hương tưởng niệm và ôn lại truyền thống. Chị Lê Thị Thanh Sang, Bí thư Huyện đoàn Cái Bè chia sẻ: “Với lớp trẻ chúng tôi hôm nay, những mất mát, đau thương trong chiến tranh hầu như chỉ được biết đến qua sách vở. Đến khu di tích, chúng tôi được ôn lại truyền thống, qua đó hình thành ý thức, trách nhiệm phải biết giữ gìn thành quả mà ông cha đã đổ máu xương gầy dựng. Từ ý thức, tuổi trẻ chuyển thành hành động cụ thể để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp thông qua phong trào Thanh niên lập thân, lập nghiệp do Trung ương Đoàn phát động...”.
Chiến tranh đã lùi xa. Ôn lại quá khứ để cảm nhận sâu sắc hơn về một đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trong đó có vùng đất của Chiến thắng Cổ Cò năm xưa đã thay da đổi thịt từng ngày.
THỦY HÀ