Thứ Năm, 12/01/2017, 13:58 (GMT+7)
.

Sau lũ, tính chuyện giữ nước cho ĐBSCL

Trước đây, do đặt nặng vấn đề an ninh lương thực nên câu chuyện xây đê bao khép kín để tăng diện tích lúa vụ ba ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhiều địa phương cho triển khai. Thế nhưng, trong bối cạnh hạn, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, vấn đề giữ nước cho vùng đang được đặt ra.
 

Hạn, mặn đã ảnh hưởng đến vùng nuôi cá bè trên sông Tiền đoạn qua TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh
Hạn, mặn trong năm 2016 đã ảnh hưởng đến vùng nuôi cá bè trên sông Tiền đoạn qua TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh

Trao đổi bên lề hội thảo “Giải pháp giữ nước cho ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ ngày 10-1, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cho rằng do đặt an ninh lương thực là ưu tiên số một, làm lúa gạo càng nhiều càng tốt nên chuyện tăng vụ bằng cách đắp đê sản xuất lúa vụ ba đã diễn ra.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong bối cảnh dinh dưỡng đất đai ngày càng kiệt quệ, tác động của biến đổi khí hậu cộng với việc các nước ở thượng nguồn tăng cường lấy nước và gia tăng xây đập thủy điện, chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Thay vì coi lũ là thiên tai nên tìm cách ngăn chặn thì nên coi đó là tài nguyên. Tài nguyên đó cần giữ lại để đối phó những lúc có rủi ro của xâm nhập mặn, hạn hán.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về môi trường, cho biết từ năm 2001 đến năm 2012, diện tích lúa vụ ba ở ĐBSCL đã tăng bảy lần, đạt 470.000 héc ta. Hiện nay, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất lúa vụ ba ở ĐBSCL ước đạt khoảng 800.000 héc ta.

Theo ông Thiện, việc xây dựng các đập thủy điện, nhất là thủy điện ở hạ lưu sông Mê Kông đã gây nhiều thiệt hại, làm ai cũng giật mình và chợt nhận thấy giá trị của lũ rất lớn.

"Bây giờ người ta thấy thị trường không còn ủng hộ lúa gạo nữa, làm lúa người dân không thoát nghèo, thành ra chuyện phục hồi chức năng của hai túi nước ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để làm vùng đệm cho những tác động sắp tới là hướng đi đúng”, ông Thiện phát biểu.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ nước cho ĐBSCL?

Theo ông Tuấn, có nhiều cách để tiếp cận vấn đề này. Về đối ngoại, vai trò của Ủy hội sông Mê Kông rất quan trọng trong dàn xếp nguồn nước. “Đây là bài toán khó nhưng phải làm, cố gắng đến mức nào hay mức đó”, ông nói.

Còn đối với trong nước, theo ông Tuấn, việc đầu tiên là phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao. Thứ hai, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả, thì dần dần mở, bỏ đê bao. Thứ ba, giữ lại những chỗ chưa xây đê bao khép kín. “Ví dụ, những vùng ngập sâu ở khu vực Đồng Tháp Mười, thì phải giữ và không thoát lũ nữa”, ông dẫn chứng.

Ngoài ra, việc phục hồi nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức bằng cách trong những năm lũ lớn bơm nước ngầm xuống dưới đất cũng nên tính đến, dù nó hơi phức tạp về kỹ thuật và tốn kém chi phí, nhưng những việc như vậy cần phải làm.

Theo ông Tuấn, song song với thực hiện những việc ở trên, phải nghĩ đến sinh kế của người dân trong vùng đất bị ngập lụt. Có thể nuôi cá mùa lũ ở vùng Tràm Chim (Đồng Tháp), Láng Sen (Long An)… để họ có điều kiện duy trì sinh kế. “Các tỉnh ven biển được lợi từ việc các tỉnh phía thượng nguồn giữ nước và sau đó điều tiết giúp giảm xâm nhập mặn, có thể chia sẻ một phần lợi ích cho nông dân ở phía trên”, ông gợi ý.

Cũng theo ông Tuấn, việc liên kết, chia nguồn nước phải trên tinh thần chia sẻ cả rủi ro và lợi ích. “Trước tiên làm ở vùng Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, sau đó mới mở ra toàn vùng, chứ không làm ồ ạt, phong trào vì mình làm không nổi, không có tiền đầu tư nhiều”, ông Tuấn nói.

(Theo thesaigontimes)

.
.
.