Thứ Tư, 15/02/2017, 15:35 (GMT+7)
.

ĐBSCL- để xuất khẩu trái cây tăng trưởng bền vững

Kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng liên tục trong những năm gần đây, năm 2016 được xem là năm xuất khẩu thành công nhất với 1,78 tỷ USD, tăng 95% so năm 2015. Trong sự thành công vượt bậc của xuất khẩu trái cây của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành sản xuất cây ăn quả (CAQ) ở Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Trong bối cảnh thị trường có những chuyển biến tích cực, để tiếp tục duy trì xuất khẩu ở mức khá cao, cũng như tiến tới xâm nhập và mở rộng thị phần tại các thị trường mới, ngành CAQ ở ĐBSCL cần chuyển biến tích cực hơn không chỉ trong khâu sản xuất mà còn ngay ở khâu hậu cần.

- Những vấn đề đặt ra

Một thời gian khá dài, xuất khẩu trái cây của Việt Nam chủ yếu đi các thị trường tương đối dễ tính, trong đó có thị trường Trung Quốc. Trong những năm gần đây trái cây Việt Nam đã xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Cannada, Newzealand, Chile, Hà Lan, Đức, Pháp... Trong đó các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được xem là mới nổi cho trái cây của Việt Nam. Có được sự khởi sắc này, trước hết là nhờ công tác xúc tiến thương mại, ký kết các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước, mặt khác sự chuyển biến trong tư duy và thực hành của nông hộ trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP - Good Argricultural Practices) dưới dạng VietGAP hoặc GloabalGAP. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây của Việt Nam cũng đã năng động trong việc nắm bắt cơ hội để tăng nhanh sản lượng xuất khẩu đi các
thị trường.

Một điểm thu mua thanh long xuất khẩu ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: Ngọc Lan
Một điểm thu mua thanh long xuất khẩu ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: Ngọc Lan

ĐBSCL hiện có khoảng 307 ngàn ha trồng CAQ, chiếm gần 40% diện tích trồng CAQ của cả nước, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn quả. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong khu vực là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp…; các loại CAQ có diện tích lớn ở ĐBSCL bao gồm chuối, xoài, cam, nhãn, khóm, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quý… ĐBSCL cũng là nơi có nhiều giống CAQ bản địa ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, sa pô lồng mứt… Trong thời gian gần đây ĐBSCL không chỉ là vùng trồng CAQ chủ lực cung cấp trái cây cho nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến. Các loại trái cây như xoài, nhãn, thanh long, bưởi, chuối, khóm… sản xuất từ ĐBSCL được thị trường ưa chuộng, kể cả xuất khẩu. Trái xoài (trong đó giống xoài cát Hòa Lộc, cát chu) đang được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa thích; trái thanh long, nhãn, chôm chôm đã xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng gia tăng qua hằng năm. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi đang được các thị trường châu Á có nhu cầu nhập khẩu dạng tươi và chế biến giảm thiểu (múi bưởi)… Các chuyên gia đánh giá tiềm năng trái cây ĐBSCL trong cung cấp nguồn hàng xuất khẩu còn lớn, không chỉ phục vụ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu trái cây trong những năm tới chủ yếu do nguồn cung hàng rau quả có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực như sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP, chất lượng rau quả được nâng lên, Việt Nam tăng cường đàm phán với các nước như Mỹ, Úc,... thị trường được mở rộng.

Những vấn đề còn tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL có thể chỉ ra như quy mô diện tích trồng CAQ tại mỗi hộ còn thấp (phổ biến từ 0,3 - 0,5 ha), quy mô nhỏ và thiếu tập trung (ngoại trừ cây khóm và cây thanh long có vùng trồng khá tập trung). Chính sự phân tán và quy mô sản xuất ở mỗi nông hộ nhỏ trong khi lại thiếu liên kết giữa các hộ với nhau nên đã dẫn đến tình trạng rất khó kiểm soát chất lượng trái cây cung ứng cho thị trường, nông dân dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi nhà vườn có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khác nhau, tình trạng này dẫn đến trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng và an toàn thực phẩm khác nhau; các DN rất khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo và đồng đều về kích thước, ngoại hình trái. Cây giống không đồng nhất, dẫn đến chất lượng trái biến động cũng là vấn đề cần quan tâm trong sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL hiện nay. Sản xuất trái cây an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tuy đã hình thành tại các vùng trồng cây ăn trái, tuy nhiên diện tích trồng đạt theo quy trình này còn rất hạn chế. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trái cây ngày càng khắt khe về chất lượng và nhất là yếu tố an toàn thực phẩm, nếu không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sản xuất theo hướng an toàn thì đây sẽ là một thách thức lớn trong việc duy trì xuất khẩu ở mức cao và bền vững cho ngành CAQ. Đại bộ phận sản lượng trái cây sản xuất được sử dụng dưới dạng ăn tươi, chế biến rất hạn chế, điều này cũng trở thành điểm yếu trong xuất khẩu trái cây đi các thị trường xa và khó tính. Đối với nhiều loại trái cây do có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị tổn thương và tỷ lệ hư hỏng cao, trong điều kiện khâu chế biến thiếu và công nghệ sau thu hoạch kém đã và đang dẫn đến nhiều phiền toái cho nhà vườn và các DN kinh doanh trái cây.

Vấn đề liên kết cung ứng - tiêu thụ trái cây đã được đề cập nhiều trong các hội nghị, hội thảo…, song cho đến nay mô hình này phát triển rất chậm. Các mô hình như tổ hợp tác (THT)/hợp tác xã (HTX) trồng CAQ ra đời ở ĐBSCL tương đối trễ (chủ yếu sau năm 2006), nhiều mô hình mang tính hình thức, chưa thực sự là một THT/HTX marketing trái cây để hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ, lý do chính là các THT/HTX thiếu kỹ năng kinh doanh, thiếu vốn kinh doanh. Việc xây dựng liên kết giữa các DN kinh doanh trái cây với các THT/HTX là hướng đi đã và đang được khuyến khích. Thực tế cũng đã có một số mô hình liên kết hình thành ở ĐBSCL, như trường hợp HTX xoài Tân Thuận Tây (tỉnh Đồng Tháp) đã và đang liên kết với Công ty Long Uyên để cung ứng - tiêu thụ xoài; HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long) liên kết với Công ty rau quả Mê Kông để cung ứng - tiêu thụ chôm chôm, HTX Hòa Lộc liên kết cung ứng - tiêu thụ xoài với một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh… để tiêu thụ xoài. Các loại trái cây sản xuất tại các HTX có liên kết với các công ty này được sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP. Điều đáng nói là số lượng các mô hình liên kết này hiện có rất ít ở ĐBSCL, mặt khác không có tính bền vững cao, DN vẫn loay hoay bài toán nguyên liệu chất lượng cao, nông dân vẫn băn khoăn đầu ra bấp bênh. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu xuất phát từ đặc điểm là đại bộ phận DN kinh doanh trái cây trên địa bàn ĐBSCL chưa có “tên tuổi” trên thị trường quốc tế, quy mô nhỏ, phụ thuộc lớn vào các đối tác nước ngoài. Vẫn xảy ra tình trạng nông dân không trung thành với hợp đồng đã ký với DN, hoặc nông dân tham gia các HTX không muốn ký với DN với mức giá cả ổn định (thường là trong 1 năm) do thiếu thông tin.

- Hướng mở cho tăng trưởng bền vững

Từ những vấn đề nêu trên, để trái cây ĐBSCL chinh phục thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam duy trì ở mức cao và ổn định là phải sắp xếp, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm trái cây sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo cung ứng quanh năm. Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trái cây ĐBSCL mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Các địa phương ĐBSCL cần tích cực chủ động tìm kiếm các đối tác để ký hợp đồng liên kết lâu dài, chặt chẽ với nhà vườn, ưu tiên thu mua các sản phẩm tại các vườn có chất lượng, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm; phối hợp với Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để xác định nhu cầu và thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm trái cây Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng nhằm phát triển thêm thị trường mới; cập nhật các thông tin xuất khẩu nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, trên cơ sở này điều hòa sản xuất trong nước, góp phần ổn định giá cả.

Trong khâu tổ chức sản xuất, cần hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất CAQ theo hướng liên kết giữa các hộ gia đình các nhóm nông dân dạng THT hoặc HTX tại các địa phương trồng CAQ, vẫn đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hưởng lợi từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của hộ gia đình trồng CAQ. HTX/THT chỉ đóng vai trò hỗ trợ nông dân trong khâu chuyển giao kỹ thuật, marketing sản phẩm. Mỗi tỉnh nên tập trung đầu tư phát triển ít nhất 1 HTX thành HTX CAQ trọng điểm có đầy đủ các cơ sở hạ tầng và vốn phục vụ kinh doanh trái cây, bao gồm xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho bảo quản, nhà đóng gói, các phương tiện phục vụ kinh doanh như xe tải, thuyền ghe...; đào tạo cán bộ quản lý và kỹ năng kinh doanh buôn bán cho HTX; các HTX này có vai trò quan trọng trong khâu marketing sản phẩm trái cây cho mỗi tỉnh, tiến tới cho cả vùng ĐBSCL. Tiếp tục hoàn thiện và chuyển giao quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch... cho các loại CAQ (chú trọng một số CAQ chủ lực) theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn thực phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường và phù hợp với hướng rải vụ. Triển khai nhiều mô hình sản xuất CAQ trên diện rộng theo GAP (VietGAP hoặc GlaobalGAP) cho đại bộ phận nhà vườn.

Trong khâu xúc tiến thương mại, cần duy trì việc tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong nước, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại tại các nước xuất khẩu; thực hiện ấn phẩm để giới thiệu quảng bá sản phẩm trái cây ĐBSCL. Đẩy mạnh khâu nghiên cứu thị trường, nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng trái cây thị trường trong nước; khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về phân bố thị trường, quy mô thị trường, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn trái cây cho các thị trường nhập khẩu trái cây trên thế giới, chú trọng thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc... Mời đại diện cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài viết bài, làm phóng sự trên báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, internet nhằm quảng bá cho trái cây ĐBSCL cũng là việc làm cần quan tâm đầu tư. Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu trái cây ĐBSCL là cần thiết phục vụ cho phát triển thị trường trái cây ĐBSCL, nhất là thị trường xuất khẩu. Song song với những giải pháp nêu trên, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, xây dựng các trang trại sản xuất cây ăn quả có quy mô lớn, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, lưu thông và phân phối trái cây hàng hóa là điều cần quan tâm khuyến khích trong sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL trong bước tiến mới của ngành trái cây ĐBSCL.

HỮU TIẾN

.
.
.