Thứ Ba, 07/02/2017, 21:14 (GMT+7)
.

Tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

 Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017
Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017. Ảnh: Vân Anh

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đặt mục tiêu đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày);...

Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.

Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.

Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán các chỉ số xếp hạng

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công và tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 28/2/2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công.

Chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này, hoàn thành trước ngày 31/3/2017.

Các bộ, cơ quan được giao chủ trì trong thực hiện cải thiện đối với từng chỉ số cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử.

Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong quý I năm 2017, ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm;...

Đẩy mạnh việc Chứng nhận hợp quy đối với dòng sản phẩm tại nước xuất khẩu và tăng cường hậu kiểm đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu. Điện tử hoá các thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, đảm bảo rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo mục tiêu đề ra.

Sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành, minh bạch về cách tính chi phí, đối tượng trả phí và chuyển dần sang áp dụng cơ chế giá.

Cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số Khởi sự kinh doanh

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi thi hành pháp luật về đầu tư, kinh doanh, kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản có liên quan.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư; theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.

Bộ Tài chính ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành tập trung triển khai thành công các nội dung có liên quan đến bộ, ngành mình thuộc Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, có nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan; nâng cấp, hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, thực hiện phân luồng trước khi hàng đến cảng để giải quyết thông quan hoặc giải phóng hàng hoá ngay khi đến cảng.

Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan. Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện thông quan điện tử tự động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống.

Nghiên cứu cấp thẻ Bảo hiểm y tế điện tử

Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung.

Nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế, kết nối điện tử với các bệnh viện, phòng khám, đảm bảo chi trả bảo hiểm y tế đúng, kịp thời và tránh thất thoát.

Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo hướng bỏ một số dịch vụ ngân hàng (bao gồm thẻ ghi nợ nội địa; mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán áp dụng cho khách hàng cá nhân; vay vốn cá nhân nhằm mục đích tiêu dùng) ra khỏi Danh mục nhằm cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các tổ chức tín dụng và bảo đảm thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước đối với việc cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước tháng 6/2017 giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 về tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra; thời gian xếp doanh nghiệp trở lại Danh sách ưu tiên kể từ ngày đánh giá lại đạt yêu cầu theo quy định; thời gian cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên.

Kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi quy định chứng nhận quản lý chất lượng không phù hợp

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật an toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng: Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng tiêu chí nhập khẩu máy móc, thiết bị theo tuổi thiết bị (từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu) của từng lĩnh vực cụ thể, không áp dụng hạn chế chung “không quá 10 năm” cho tất cả các máy móc, thiết bị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về công bố công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường theo hướng áp dụng quản lý theo mức độ rủi ro về ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực thi Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng theo hướng đơn giản hóa quy trình, nội dung hồ sơ, bãi bỏ hồ sơ, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết tranh chấp thương mại.

Tạo điều kiện thuận lợi cung ứng dịch vụ giáo dục đào tạo

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cung ứng dịch vụ giáo dục đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Giao thông vận tải áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh kết nối trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thực hiện nhận và trả kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Xây dựng hối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất kết hợp thực hiện lồng ghép thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện các thủ tục và điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục, điều kiện không phù hợp; khuyến khích và tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo nghề theo hướng mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung và sản phẩm dịch vụ và cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường.

Rà soát, sửa đổi quy định về hoạt động in

Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông rà soát, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in theo hướng quy định rõ danh mục đối tượng chịu sự điều chỉnh, theo đó không áp dụng đối với hoạt động in bao bì, bề mặt sản phẩm. Bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (như quy định hạn chế hợp tác giữa các cơ sở in; cấp phép nhập khẩu các máy móc gia công sau in; quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in; cấp phép đối với các hợp đồng in từ nước ngoài,...).

Bộ Y tế rà soát, sửa đổi thẩm quyền của cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nhập khẩu và xuất khẩu theo hướng phân cấp cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương.

Chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử phục vụ quản lý nhà nước về Bảo hiểm y tế và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách

Văn phòng Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường tổ chức Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm. Kết quả thực hiện Nghị quyết được đưa vào đánh giá chất lượng hoạt động của từng bộ, cơ quan, địa phương tại phiên họp thường kỳ tháng 12 hàng năm của Chính phủ. Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát lập danh mục dịch vụ công mức độ 3, 4.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng, uy tín của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cải thiện Chỉ số PCI kết nối với việc thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19.

Tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tập hợp báo cáo Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện cơ chế một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về thuế

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành về Khởi sự kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh chủ trì phối hợp với cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian Khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Quy định cụ thể về hồ sơ hoàn công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tài sản hình thành từ quá trình xây dựng. Công khai hóa thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí; liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo đúng tinh thần của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật phá sản 2014; rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án theo yêu cầu của Nghị quyết; hỗ trợ hoạt động của toà án, cơ quan thi hành án, thừa phát lại, luật sư; phát triển về số lượng và chất lượng quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương; công khai thông tin đầy đủ, kịp thời về đội ngũ luật sư, quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
Bộ sưu tập Laphroaig chính hãngMua gioăng thực phẩm đạt FDA Thu mua phế liệu giá cao Hòa Bình Khắc dấu công ty Hải Phòng
.