Khi thanh, thiếu niên nghiện mạng xã hội
Công nghệ phát triển như vũ bão, cùng với sự tích hợp nhiều tiện ích trên chiếc điện thoại, máy tính bảng…, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội và đã được nhiều người dùng, nhất là trong thanh, thiếu niên, phổ biến nhất là Facebook và Zalo. Việc sử dụng mạng xã hội không phải là xấu nếu biết tận dụng mặt tích cực của nó. Tuy nhiên, việc nghiện mạng xã hội, sống ảo, “anh hùng bàn phím”… ở một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay là một thực trạng đáng báo động.
Thay vì dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, hãy dành cho việc học tập, trao dồi kiến thức… sẽ hữu ích hơn trong cuộc sống. |
THẾ GIỚI ẢO - HẬU QUẢ THẬT
Ngày nay, không khó để bắt gặp các thanh, thiếu niên chăm chú vào chiếc smartphone, laptop… để truy cập vào các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook và Zalo. Bạn Thanh Hằng, ngụ xã Trung An, TP. Mỹ Tho cho biết: “Mình cập nhật trạng thái mỗi giờ, từ những cảm xúc cá nhân, công việc, hay mọi vấn đề của cuộc sống đều cập nhật lên Facebook, kể cả lúc đi ăn uống mình cũng đăng lên trang cá nhân để chia sẻ với mọi người...”.
Thực trạng “nghiện” mạng xã hội đang phổ biến trong thanh, thiếu niên, đã dẫn đến nhiều tác hại khó lường, như ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe, việc làm. Nguy hại hơn, nghiện mạng xã hội sẽ sống xa rời cuộc sống thực, chỉ chăm chú vào thế giới ảo. Bạn Hoài Như, 22 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy cho biết: “Mình có biết một bạn gia cảnh không mấy khá giả, vậy mà khi tham gia mạng xã hội trên Facebook, bạn ấy lại chia sẻ những hình ảnh mình ăn mặc toàn hàng hiệu, đi xe đắt tiền, khiến nhiều người ngưỡng mộ, nhưng thực ra bạn ấy mượn của người khác để chụp hình rồi đăng lên mạng xã hội để thỏa mãn sở thích của cá nhân...”.
Không dừng lại ở đó, việc sử dụng mạng xã hội đôi khi còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như: Nhiều bạn phát ngôn trên mạng xã hội với những lời lẽ nông nổi, thiếu suy nghĩ, đã dẫn đến những mâu thuẫn ở ngoài đời thực. Bạn Tuyết Nhi, ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho kể lại: “Lúc trước, ở đơn vị mình có một nhân viên viết trên trang cá nhân nêu bức xúc về cách làm việc của một cán bộ trong đơn vị. Một bạn khác đọc được đã báo lại với lãnh đạo. Hậu quả là bạn ấy bị đuổi việc”. Ngoài ra, còn có những bạn ngoài đời rất hiền, ngại va chạm, nhưng khi sống trong thế giới ảo lại trở thành “anh hùng bàn phím”, thích thể hiện bản thân, phát biểu thiếu kiềm chế, đã dẫn đến những vụ ẩu đả ngoài đời thực, gây hậu quả nghiêm trọng.
CẦN SỰ QUAN TÂM CỦA CHA MẸ
Ths. tâm lý Cao Thị Mộng Trinh, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Thanh, thiếu niên thích tự khẳng định mình, thích thể hiện, nhưng các em chưa thực hiện được trong cuộc sống thực nên chuyển sang thực hiện trên mạng (sống ảo). Vì vậy mạng xã hội thu hút các em rất mạnh. Thanh, thiếu niên càng nhút nhát thì càng thích giao tiếp ảo, hay bắt chước theo trào lưu, thấy mọi người sử dụng mạng xã hội thì mình cũng sử dụng vì sợ mọi người đánh giá mình lạc hậu…”.
Một nguyên nhân khác, do bậc làm cha làm mẹ rất ít khi quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con, vì vậy những khi có tâm sự, bức xúc trong cuộc sống là con chọn cách bày tỏ trên thế giới ảo, với những người bạn ảo. Bạn Thành Phong (23 tuổi, xã Trung An, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Cha mẹ mình bận công việc nên không có nhiều thời gian ở nhà. Nhiều lúc cô đơn, có tâm sự mình không biết bày tỏ với ai. Vì vậy, mình thường cập nhật trạng thái trên mạng xã hội để nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người”.
Mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, nó có thể giúp chúng ta trò chuyện, liên lạc, trao đổi công việc một cách dễ dàng, nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều tác hại khó lường. Vì vậy người dùng, đặc biệt là thanh, thiếu niên cần phải hết sức tỉnh táo, cẩn thận, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội.
Ths. Cao Thị Mộng Trinh chia sẻ biện pháp giúp thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội hiệu quả: “Các em cần rèn kỹ năng chọn bạn, chọn nội dung xem trên mạng xã hội. Cha mẹ hỗ trợ bằng cách quản lý thời gian, cùng chơi với con, dành thời gian tâm sự, trao đổi với con nhiều hơn để giúp con phân biệt được tốt - xấu, tạo nhiều hoạt động sinh hoạt cùng nhau giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, bản thân các em cần xác định mục tiêu nào là quan trọng nhất. Với học sinh, sinh viên, thay vì dành thời gian sử dụng mạng xã hội, hãy để thời gian ấy cho việc cố gắng học tập. Đối với các bạn trẻ đang làm việc, hãy dành thời gian ấy để trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm… sẽ hữu ích hơn trong cuộc sống”.
QUỐC TUẤN