Chủ Nhật, 07/05/2017, 21:22 (GMT+7)
.

Giải cứu thịt lợn: Câu chuyện tầm nhìn và tư duy quản lý

Những ngày này, câu chuyện “giải cứu” người chăn nuôi lợn khi giá thịt lợn hơi giảm quá sâu đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Vấn đề đáng nói là trong thời gian qua, không chỉ thịt lợn cần “giải cứu” mà từ dưa hấu, thanh long, hành tím… cũng từng rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Vậy đâu là lời giải cho “bài toán” quen thuộc này của ngành nông nghiệp nước nhà?

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp. (Nguồn: dantri.vn)
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp. (Nguồn: dantri.vn)

Chưa bao giờ giá thịt lợn lại rẻ và kéo dài như hiện nay. Giá lợn hơi trung bình chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lợn đang bị thua lỗ nặng nề, đàn lợn lớn mà không thể xuất chuồng, trong khi giá lợn hơi vẫn đang giảm sâu mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam. Trong khi đó, giá thịt lợn còn được dự báo là sẽ tiếp tục giảm do lượng thịt tồn trong dân đang tăng mỗi ngày 1%.

Trước thực tế này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng hàng loạt các bộ, ngành chung tay, giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này. Nhiều giải pháp được nêu ra và đang thực hiện với sự quyết liệt của các bộ, ngành: Kêu gọi quân đội, công an, doanh nghiệp có nhiều công nhân ở các khu công nghiệp lớn hãy vì người chăn nuôi tiêu dùng thịt lợn nhiều hơn; Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chung tay “giải cứu”; đề nghị các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi… Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng giãn, hoãn, khoanh nợ, tiếp tục cho vay mới để người chăn nuôi yên lòng...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường còn đề nghị các doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi những khó khăn về thị trường trong đó có việc giảm giá thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn cung và duy trì thị trường bền vững.

Nói về các hình thức giải cứu này, theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, trong lúc tình hình khẩn cấp, việc xử lý tình huống như kêu gọi sự chung tay của nhiều bên như doanh nghiệp, người dân, ngân hàng... là cần thiết, song câu chuyện thừa cung với con lợn cũng như các loại nông sản từ trước tới nay đã là câu chuyện dài dài.

Nhiều người cho rằng những giải pháp này chỉ là phần ngọn và thực sự, nông dân cần những giải pháp căn cơ hơn. Thậm chí trên một số diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện những lời đả kích các lời kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn. Bởi theo một số người, họ không thể ăn thịt lợn từ ngày này sang ngày khác. Và nếu tất cả đều ăn thịt lợn thì các loại thực phẩm khác như thịt bò, cá, tôm...lại trở lên dư thừa… rồi lại kêu gọi…
Đúng vậy! Điệp khúc “được mùa mất giá”, chờ “giải cứu” của các sản phẩm nông nghiệp cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao để không còn những chiến dịch giải cứu nông sản “đến hẹn lại lên” như trong mấy năm gần đây. Và muốn giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ gốc của nó. Nếu muốn vậy, Việt Nam phải có nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, làm ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản xuất những sản phẩm mà chúng ta có.

Để giải quyết thực tế này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Kim Sơn hiến kế: "Chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp với hơn 10 triệu hộ nông dân, riêng xuất khẩu chiếm 32 tỷ USD/năm. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng, do đó nghiên cứu thị trường, xác định cung cầu là việc cần phải làm. Đó cũng là việc làm dài hạn cần xử lý ngay".

Chuyên gia Đặng Kim Sơn cho biết thêm, hiện nay, chúng ta không có một cơ quan nghiên cứu thị trường hoàn chỉnh, cả về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công Thương. Đã tới lúc chúng ta nên xây dựng lực lượng trinh sát thị trường một cách mạnh mẽ, nên tổ chức theo kiểu liên kết công tư. Sau đó, dự báo thông tin thị trường phải được công bố cho toàn bộ chuỗi giá trị, cả người sản xuất, thu mua, chế biến và ngân hàng cho vay vốn….

Cùng quan điểm với chuyên gia Đặng Kim Sơn là phải giải quyết “tận gốc” của vấn đề, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, đầu tiên là phải có chính sách đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề thứ hai là quy hoạch đất đai cho nông nghiệp. Thứ ba là chính sách với người nông dân. Cụ thể, đất đai phải quy hoạch, nơi nào trồng cây gì, nuôi con gì là lợi thế tốt nhất. Kèm với đó là quy hoạch hạ tầng phải đầy đủ, đồng bộ. Phải đầu tư xây dựng được các chợ đầu mối đấu giá nông sản để tránh tình trạng giá từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng chênh lệch quá lớn. Và quan trọng là ưu đãi đầu vào, vốn cho nông nghiệp. Cuối cùng là chăm lo cho nông dân bằng các loại bảo hiểm từ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi đến chăm lo bảo hiểm xã hội cho nông dân…

Nhiều người cho rằng, lỗ hổng lớn của việc dư thừa thịt lợn hiện nay vẫn là câu chuyện tầm nhìn và tư duy quản lý. Muốn cải thiện tình hình thì bản thân những bộ, ngành liên quan phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, thấy rõ trách nhiệm của từng bộ phận, phân rõ vai vế chứ không nên tìm cách đổ lỗi cho nhau trước những thua thiệt, mất mát của người nông dân.  Muốn vậy, chúng ta phải làm trên toàn bộ chuỗi giá trị, không chỉ có người nông dân mà còn phải với nhà quản lý, người kinh doanh, buôn bán, chế biến và thậm chí cả người tiêu thụ…

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.