Nghị quyết 06-NQ/TU: "Luồng gió" mới cho các doanh nghiệp
Xây dựng chính quyền hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính… nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, thái độ, đạo đức… của cán bộ, công chức trong phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp… là nội dung chính trong Kế hoạch hành động của UBND tỉnh vừa ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06- NQ/TU ngày 27-12-2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Khâu cắt trong một dây chuyền may gia công (ảnh minh họa). Ảnh: Vân Anh |
Theo một số doanh nghiệp, đây là lần đầu tiên Tiền Giang có nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Điều đặc biệt là thời gian từ lúc ban hành đến khi triển khai nghị quyết rất ngắn nhưng cách triển khai lại rất chặt chẽ đến tận cơ sở thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xây dựng chính quyền hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong kế hoạch hành động này, nhiệm vụ từng sở, ngành được phân công cụ thể, rõ ràng với tinh thần chuyển từ quản lý sang “phục vụ” doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cụ thể, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phải xây dựng Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, tập hợp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh giải quyết; tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, chỉ tiêu cụ thể hằng năm ở 11 huyện, thị, thành; chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ít nhất 2 lần trong năm. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp với các ngành triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Hội đồng Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp gắn với các câu lạc bộ khởi nghiệp… và các hình thức khởi nghiệp khác theo đối tác công tư với sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh đề xuất cơ chế thuận lợi nhất để các hộ kinh doanh lớn với mức thuế khoán cao chuyển lên doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian nộp thuế, thời gian doanh nghiệp phải tiếp xúc và làm việc với Thanh tra Thuế; tổ chức tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp, người dân về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Đó là những vấn đề thường gây phiền nhiễu cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong thời gian qua.
Có thể thấy chưa bao giờ, quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp lại dấy lên mạnh mẽ như hiện tại. Kế hoạch hành động đã có, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng lại môi trường đầu tư, khởi nghiệp của Tiền Giang đã rất rõ. Vấn đề còn lại là sự chuyển động, đổi mới của các sở, ngành từ tỉnh đến cơ sở; làm thế nào để Nghị quyết 06/NQ-TU thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống? Đó cũng là tâm sự, trăn trở và mong muốn của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp.
Tất cả vẫn còn ở phía trước, song với những chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy đã và đang triển khai thực hiện; những hoạt động thực tế từ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thời gian qua đã “thổi luồng gió” mới vào các doanh nghiệp về quyết tâm đổi mới của lãnh đạo tỉnh với tinh thần “tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững”.
DUY SƠN