Thứ Năm, 18/05/2017, 20:50 (GMT+7)
.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - ĐÔ THỊ 3 VÙNG TỈNH TIỀN GIANG:

Chủ trương, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại là hành động

Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 10-NQ/TU), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai nghị quyết. Theo đó, ngay trong tháng 4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị triển khai (1 cuộc chung toàn tỉnh và 3 cuộc tổ chức tại từng vùng) cho thấy sự vào cuộc, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với nghị quyết mà theo nhiều ý kiến cho rằng, đây là nghị quyết “quan trọng thứ nhì sau Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020”. 

Vùng Trung tâm đang đẩy mạnh phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng, hỗ trợ và thúc đẩy cả 3 vùng cùng phát triển. Ảnh: Minh Nhựt
Vùng Trung tâm đang đẩy mạnh phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng, hỗ trợ và thúc đẩy cả 3 vùng cùng phát triển. Ảnh: Minh Nhựt

KHÁI NIỆM “VÙNG” ĐÃ RÕ DẦN

Từ nhiệm kỳ trước (2010 - 2015), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX lần đầu tiên nêu khái niệm “3 vùng”, nhưng khái niệm “vùng” lúc đó còn ở tầm “quan điểm” và khá gọn: Tập trung đầu tư phát huy lợi thế của 3 vùng: Vùng các huyện phía Đông phát triển mạnh kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; Vùng các huyện phía Tây tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung; Vùng Trung tâm tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng, hỗ trợ và thúc đẩy cả 3 vùng cùng phát triển.

Quan điểm này đã được đưa vào trong quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Và sau đó, nội dung “phát triển 3 vùng” cũng được đưa vào điều chỉnh quy hoạch phát triển KT-XH của các huyện, thành, thị để phục vụ xây dựng văn kiện cho nhiệm kỳ mới. Đến Đại hội lần này, khái niệm “3 vùng” đã rõ hơn, cụ thể hơn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã khẳng định phát triển “3 vùng kinh tế - đô thị”.

HÌNH THÁI VÙNG KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Trong một bài viết, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Hình thái vùng kinh tế - đô thị có dạng đồng tâm, được xác định theo bán kính có nguồn gốc châu Âu với quan niệm về độ đồng đều trong phát triển và khoảng cách của các yếu tố cấu thành hệ thống vùng. Các đô thị châu Âu và Bắc Mỹ có độ phát triển tương đối đều nên việc áp dụng để định vị các yếu tố phát triển kinh tế rất tương thích. Còn các nước đang phát triển như Brazil, Argentina hay các nước Đông Nam Á đều dùng lý luận: “Sức hút - tuyến hành lang” để xác định hình thái vùng kinh tế - đô thị. Chất kết dính vùng trong các trường hợp này là các liên kết kinh tế. Ông Vạn cho rằng: “Nghiên cứu định hướng phát triển vùng, trước hết là nhằm phát triển các đô thị thành viên trong hệ thống vùng trên cơ sở một hoặc vài trung tâm đã định hình, qua đó giải quyết các vấn đề của các trung tâm vùng”. Từ đó, ông khẳng định: “Trước hết phải xác định các lực hút kinh tế để tạo nên các liên kết vùng”. Nhìn về một số địa phương bạn, chúng ta thấy có những nơi phân định vùng cũng có điểm đặc thù.

Đối với tỉnh Tiền Giang, căn cứ đặc thù địa phương, quan điểm về vùng kinh tế - đô thị được Nghị quyết 10-NQ/TU xác định: “Liên kết nội vùng, liên kết vùng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng trong tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ, liên hoàn giữa 3 vùng của tỉnh trên cơ sở nâng tầm các cực phát triển là các đô thị trung tâm mỗi vùng như: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy, tiến tới phát triển liên kết để tạo lực hút và đẩy trong không gian phát triển KT-XH qua liên kết vùng, kể cả trong và ngoài tỉnh”. Như vậy, quan điểm nêu trên hoàn toàn phù hợp với lý thuyết phát triển vùng kinh tế - đô thị đã được chuyên gia đầu ngành Kiến trúc Nguyễn Tấn Vạn đưa ra.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Theo suy nghĩ của cá nhân người viết, Nghị quyết 10-NQ/TU là một trong những nghị quyết rất đặc biệt, bởi nghị quyết không chỉ dừng ở tầm lãnh đạo mang tính định hướng toàn diện mà còn đi sâu vào từng chi tiết, từng lĩnh vực, từng vấn đề, thậm chí chỉ đạo đến từng đề án, dự án cụ thể trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trong phát triển công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước… Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU (dự kiến ban hành trong tháng 5) sẽ làm rõ thêm nghị quyết, trong đó sẽ phân công rõ trách nhiệm từng sở, ban, ngành tỉnh cũng như UBND các địa phương trong từng vùng, để với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy chắc chắn sẽ mang lại những kết quả quan trọng trong thời gian tới.

Trong phạm vi bài viết, người viết xin nêu suy nghĩ: Quan điểm bao trùm của nghị quyết là đặt trọng tâm vào tính “liên kết”, phát triển trong nội bộ các huyện, thành, thị trong từng vùng và kết nối cả 3 vùng. Nhìn lại thực tế thời gian qua (năm 2015 trở về trước), việc liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và liên kết vùng được đặt ra tại nhiều Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) đã cho thấy còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Theo chúng tôi, điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính:

Thiếu “chỉ huy trưởng”; từng thành viên trong vùng liên kết chưa thật sự “mặn mà” (sau này đã tìm ra giải pháp, mô hình “Hội đồng vùng” đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng đề án liên kết một số lĩnh vực như lúa gạo, thủy sản, liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười... đối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Do vậy, trong tổ chức triển khai nghị quyết này, khâu tổ chức thực hiện đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU hết sức quan tâm thể hiện rõ tại 4 hội nghị triển khai, trong đó nêu rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, thậm chí đến từng thành viên Ban Chỉ đạo trong phối hợp nội vùng, ngoài vùng (phối hợp giữa các vùng với nhau và với các tỉnh, thành bạn)...

Vấn đề còn lại là nhận thức của từng ngành, địa phương trong quán triệt nghị quyết với không chỉ đơn thuần là chấp hành mệnh lệnh hành chính mà phải từ ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, từ đó mới phát huy đầy đủ sự chủ động, sáng tạo. Song, đây là công việc không đơn giản, bởi thay đổi nếp nghĩ của lãnh đạo các huyện, thành, thị từ việc tập trung chăm lo cho địa phương mình đến chăm lo cho sự phát triển chung của vùng là không hề dễ dàng. Thế nhưng, từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua, người viết tin rằng, một khi ý chí đã thống nhất với quyết tâm cao trong hành động từ cấp lãnh đạo cho đến cấp thừa hành trong từng cơ quan, đơn vị sẽ có những biện pháp hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ đạt mục tiêu mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặt ra cho sự phát triển không chỉ ở nhiệm kỳ này mà cả trong tương lai dài.

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.