Thứ Bảy, 17/06/2017, 14:07 (GMT+7)
.

Cú hích nào cho ngành cơ khí?

Ngành cơ khí có vị trí rất quan trọng, là cơ sở, động lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành công nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực hạn chế, sản phẩm làm ra đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh...

Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí rất cao. Ảnh: Cao Thắng
Nghề đóng tàu vận tải đường sông, tàu cá của tỉnh khá phát triển.

CHƯA PHÁT HUY ĐƯỢC THẾ MẠNH

Theo Sở Công thương, cùng với ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may - giày da, ngành cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử là 1 trong 3 ngành chiếm giá trị chủ yếu trong sản xuất công nghiệp tỉnh (năm 2015, 3 ngành này chiếm 93,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp). Nhìn chung, ngành cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử của tỉnh có quy mô trung bình. Theo thống kê, các doanh nghiệp trong ngành đạt khoảng 68 lao động/doanh nghiệp và chiếm khoảng 6,4% tổng số lao động của ngành Công nghiệp tỉnh.

Theo Niên giám thống kê của tỉnh năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp sơ bộ của ngành công nghiệp cơ khí theo giá so sánh năm 2010 đạt 8.820 tỷ đồng, chiếm 13,6% trong tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhóm ngành này đã đạt mức tăng trưởng 39,6%/năm.

Đóng góp chủ yếu trong ngành là các doanh nghiệp sản xuất kim loại với tỷ trọng chiếm tới 64,3%, tiếp theo là nhóm sản xuất máy móc thiết bị điện chiếm 14,2%; nhóm chế biến, chế tạo khác chiếm 11%; nhóm sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm 8,3%...

Tại Tiền Giang, hoạt động chính của ngành cơ khí chủ yếu là gia công kim loại. Bên cạnh đó còn có một số ngành như: Đóng mới và sửa chữa sà lan, xáng cạp, trùng - đại tu ô tô, sửa chữa cơ khí, sản xuất các loại thùng tuốt lúa, nông cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ xây dựng... Trong đó, tỉnh đang có một số nhà máy cơ khí phát triển như: Công ty cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác JL, Công ty TNHH MTV Sản xuất máy và Thiết bị công nghiệp Thái Hòa, Công ty TNHH Điện cơ Fang Zheng Việt Nam và rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ.

Trong nhóm ngành công nghiệp cơ khí ở tỉnh, ngành đóng tàu vận tải đường sông, tàu cá được đánh giá là khá phát triển. Các nhà máy, cơ sở đóng tàu tập trung ở ven các sông lớn để thuận tiện cho quá trình hạ thủy, sửa chữa tàu thuyền. Cơ sở đóng và sửa chữa tàu Trần Văn Sơn (ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, TX. Gò Công) hằng năm đóng mới và sửa chữa trên 10 tàu cá. Cơ sở có số lao động dao động từ 20 - 30 người, đa phần đều dựa trên kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm. Theo đánh giá của chủ cơ sở, mặc dù đầu tư nhiều chi phí nhưng lợi nhuận thu về lại không cao, thời gian thu hồi vốn lâu.

Hiện nay, ngành cơ khí ở tỉnh chủ yếu là cơ khí phổ thông chứ chưa xuất hiện nhiều loại cơ khí chính xác. Theo kỹ sư Phạm Việt Hồng, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động đang gặp phải rất nhiều khó khăn do ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, trong khi năng lực tài chính còn hạn chế. Máy móc, công nghệ của ngành cơ khí còn lạc hậu nên chưa tạo ra được các loại sản phẩm có giá trị cao; sản phẩm tạo ra đơn điệu, chưa hình thành được nhóm hàng chủ lực đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật của người lao động còn thấp, chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp nên không đáp ứng được những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao; khả năng sản xuất tập trung, trình độ chuyên môn hóa của các doanh nghiệp và cơ sở cơ khí chưa cao.

Nghề đóng tàu vận tải đường sông, tàu cá của tỉnh khá phát triển.
Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí rất cao. Ảnh: Cao Thắng

ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI?

Theo Sở Công thương, ngành cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử là ngành sản xuất ra công cụ lao động, thành phần quan trọng của lực lượng sản xuất. Chính vì vậy, ngành này luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế khác. Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí của tỉnh trong thời gian tới là: Từng bước xây dựng, nâng cao năng lực ngành cơ khí và sản xuất sản phẩm kim loại đáp ứng nhu cầu của ngành Công nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, việc tạo môi trường thuận lợi, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành cơ khí, sản xuất sản phẩm kim loại và điện tử cũng là định hướng và nhu cầu của ngành trong thời gian tới.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tiên, Trưởng khoa Cơ khí - Xây dựng của Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang, nhu cầu lao động ngành, nghề cơ khí hiện nay rất lớn. Số lượng sinh viên của trường không đủ để cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí ở tỉnh. Thậm chí, một số sinh viên chưa ra trường đã được các doanh nghiệp cơ khí chào mời. Hiện khoa có khoảng 300 sinh viên đang theo học các ngành hàn, cắt gọt kim loại, cơ khí ô tô. Có thể nhận thấy, nhu cầu học nghề cơ khí là không cao, có thể do các em ngán ngại tính chất của công việc.

Cũng theo kỹ sư Hồng, để đưa ngành cơ khí thoát khỏi những hạn chế, yếu kém, Nhà nước cần ban hành kịp thời chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp cơ khí phát triển. Việc phát triển phải gắn với hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp cơ khí cũng cần phải đổi mới, năng động, tự vươn lên trong cơ chế thị trường, không nên quá ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường hợp tác, liên kết, tận dụng tối đa năng lực thiết bị, thế mạnh của từng đơn vị để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất máy và Thiết bị công nghiệp Thái Hòa cho rằng: “Để ngành cơ khí đi đúng hướng, Nhà nước cần là “chất xúc tác”, cầu nối để liên kết các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước”.

MINH THÀNH

.
.
.