Thứ Tư, 07/06/2017, 21:25 (GMT+7)
.

Trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong thông tin trên báo chí

Mục 2 thông tin trên báo chí, Điều 39 trả lời trên báo chí của Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017) quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, cá nhân) trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí... Trong luật quy định rất rõ ràng, định thời gian cụ thể về mối quan hệ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí với cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Vấn đề này nếu được thực hiện tốt thì việc thông tin trên báo chí sẽ có chuyển biến tích cực, vai trò của báo chí được phát huy.

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội dừa Bến Tre năm 2015.
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội dừa Bến Tre năm 2015. Ảnh: Vân Anh

Tuy nhiên, trong luật không có quy định khi báo chí phản ánh đúng, được dư luận đồng tình thì cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có văn bản nhắc nhở cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình vấn đề mà cơ quan báo chí nêu, bởi trong thực tế có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân “án binh bất động” đối với phản ánh của báo chí. Hiện có nhiều ý kiến đề nghị pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin trên báo chí. Trong thực tế, khi báo chí nêu một vấn đề nào đó về một cơ quan, tổ chức, cá nhân mà cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ đạo giải quyết kịp thời thì thường đem lại hiệu quả tích cực.

Như vậy, để phát huy vai trò của báo chí trong thông tin trên báo chí, đề nghị quy định rõ trách nhiệm của bộ ba: Người đứng đầu cơ quan báo chí; cơ quan, tổ chức, cá nhân (luật đã quy định) và cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân (luật chưa quy định). Được vậy, cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ phát huy tốt vị trí, vai trò của mình trong thông tin trên báo chí.

NHƯ NGỌC

.
.
.