Thứ Bảy, 01/07/2017, 08:58 (GMT+7)
.

50 năm thăng trầm cùng "xóm chổi" Vĩnh Hựu

Đến “xóm chổi” Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây), chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những phụ nữ ngồi bó chổi say sưa, điêu luyện. Không ai nhớ rõ “xóm chổi” này hình thành từ lúc nào, chỉ biết là đã có từ rất lâu đời rồi. Khoảng 50 năm trở lại đây, người dân đã cải tiến từ bó chổi tàu cau sang bó chổi bằng que dừa. Từ đó, nghề bó chổi nơi đây phát triển mạnh, cây chổi que dừa từ đây đưa đi tiêu thụ khắp cả nước, trong đó nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Chổi que dừa đã gắn bó với người dân xã Vĩnh Hựu hơn nửa thế kỷ.
Chổi que dừa đã gắn bó với người dân xã Vĩnh Hựu hơn nửa thế kỷ.

Về “xóm chổi” Vĩnh Hựu vào những ngày cuối tháng 6, trong một ngày mưa lất phất, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí khẩn trương của những người làm chổi nơi đây. Sở dĩ gọi là “xóm chổi” vì cụm từ ấy từ lâu đã đi vào đời sống của bà con nơi này, mặc dù nơi đây đã được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống vào năm 2005. Theo những người gắn bó lâu năm với nghề bó chổi, nghề bó chổi ở đây có từ rất lâu, những thợ bó chổi ngày nay, dù người thâm niên nhất cũng chỉ là tiếp nối, lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Bà Nguyễn Thị Mai, 63 tuổi, có thâm niên làm nghề bó chổi cho biết: “Ngày xưa, chổi Vĩnh Hựu được bó bằng tàu cau. Sau chiến tranh, ở địa phương không còn nhiều cau để bó chổi nữa nên người dân chuyển dần sang bó chổi bằng que dừa. Cây chổi que dừa ngày nay được làm công phu, tỉ mỉ nên chắc chắn và đẹp hơn chổi ngày xưa rất nhiều”.

Ngày nay, nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu cũng có nhiều thay đổi so với trước kia. Nếu như lúc trước, mỗi gia đình phải tự đi lấy nguyên liệu, rồi bó và tìm nơi để bán thì bây giờ đã có những cơ sở sản xuất chổi que dừa được mở ra mang lại nhiều thuận lợi cho những thợ chổi. Chị Nguyễn Thị Kim Hương gắn bó 20 năm với nghề bó chổi cho biết: “Ngày trước, tôi tự bó chổi ở nhà nên khó khăn trong việc tìm nguyên liệu, mối bán. Còn bây giờ, tôi đi làm ở cơ sở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Công việc của tôi giờ chỉ cần đến cơ sở và sử dụng những nguyên liệu có sẵn để bó thành chổi, tiền công tính theo sản phẩm”.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu cho biết: Hiện Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu có 62 hộ sản xuất với 102 thợ làm nghề. Thời gian qua, UBND xã đã có nhiều hỗ trợ để làng nghề duy trì và phát triển. Cụ thể, trong năm 2016, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ cho nhiều hộ sản xuất chổi vay, với tổng vốn vay 450 triệu đồng; hỗ trợ 8 máy cắt que giúp người thợ cải tiến phương thức sản xuất. Đồng thời, xã cũng đã vận động thành lập 1 tổ hợp tác trong làng nghề với 7 thành viên. Hiện số lượng chổi sản xuất từ tổ hợp tác rất lớn, nhưng nguồn tiêu thụ còn hạn chế, do đó cần thêm sự liên kết từ các doanh nghiệp, nhằm ổn định đầu ra cho cây chổi que dừa ở địa phương. Về phía UBND xã, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ làng nghề duy trì và phát triển.

Để làm ra cây chổi, người làm chổi phải thực hiện nhiều công đoạn công phu và vất vả. Trước tiên, người làm chổi phải sang các vùng lân cận như huyện Chợ Gạo, thậm chí sang tận tỉnh Bến Tre để mua que dừa. Sau khi mua que về, người làm chổi phải xử lý để que dừa được trắng (lúc bó thành chổi mới đẹp). Sau đó, người thợ lựa chọn những que dài dùng bó trong thân chổi, que ngắn chèn ở giữa, đầu chổi... Kế đó, người thợ dùng dây kẽm hoặc dây gân để bó các que thành chổi, dùng thân dừa cắt thành thanh ngắn đệm vào trong để cán chổi thêm chắc chắn. Và công đoạn cuối cùng là người thợ “trang điểm” cho cây chổi của mình trước khi mang đi bán (dùng dao tề các que ở đầu và ở cán để chổi được đều và đẹp).

Công việc cứ thế lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác, nhưng những thợ chổi nơi đây vẫn không cảm thấy nhàm chán. Bởi ai cũng tâm niệm đây là nghề truyền thống của cha ông truyền lại cần phải giữ gìn và phát huy. Chị Hương chia sẻ: “Nếu vì kinh tế tôi đã đi làm công nhân để có thu nhập cao hơn rồi. Cái nghề này cho thu nhập ổn định, hơn nữa lại là nghề ông bà truyền lại nên không phải nói bỏ là bỏ được đâu”.

Cây chổi que dừa làm ra không đơn giản là sản phẩm kinh doanh, mà còn là tình cảm của người làm ra chúng. Trải qua những thăng trầm cùng thời gian, dù cây chổi que dừa ngày nay không còn phổ biến như ngày xưa (nhiều nhà không còn dùng chổi que dừa do nền nhà lát gạch), nhưng nghề bó chổi truyền thống ở Vĩnh Hựu vẫn đang được người dân tiếp tục duy trì và phát huy.

QUỐC TUẤN

.
.
.