Thịt heo vẫn còn bày bán tràn lan dưới đất
Những ngày qua, giá heo hơi đã tăng nhẹ nhưng thị trường vẫn còn khá ảm đạm. Thương lái vẫn mua heo cầm chừng, người nuôi tiếp tục tự “giải cứu” bằng cách giết mổ heo mang đi bán. Từ đó, một bộ phận người dân đã mua những con heo “dạt” để mổ lấy thịt, bày bán tràn lan dưới đất, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và là mầm móng phát sinh dịch bệnh.
Người dân vẫn bày bán thịt heo tràn lan dưới đất tại ven Quốc lộ 50, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. |
BÀY BÁN TRÀN LAN
Sáng nào chị T., ấp Bình An, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo cũng chở heo đã mổ sẵn, phân chia thịt ra từng phần bày bán ở ngay dưới đất tại đầu đường huyện 89 (giáp Quốc lộ 50, thuộc ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho). Trao đổi với chúng tôi, chị T. cho biết: “Thấy heo rẻ quá, thương lái chê không chịu mua nên tôi mua lại để mổ bán kiếm lời và cũng là giúp người chăn nuôi luôn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt heo của chị T. bày bán là những con heo nái già, quá lứa hoặc heo xấu. Điều đáng nói ở đây là chị chỉ trải tấm bạt rồi bày thịt heo ra bán cạnh quốc lộ, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, nguồn thịt heo của chị bày bán không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch của cơ quan Thú ý, trong khi tuyến đường này có hàng chục phương tiện chở heo qua lại nơi đây. Nếu nguồn thịt heo mà chị T. bán đã nhiễm bệnh thì rất dễ gây lây lan dịch bệnh.
Tương tự, mỗi ngày, chị N.L.L. ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành cũng mang thịt heo đến bán tại đường tỉnh 864. Chị L. cho biết: “Tôi bán thịt heo được là nhờ giá rẻ hơn so với ở chợ, cũng như các sạp thịt heo khác. Bình quân 1 kg thịt nạc, thịt đùi ở đây, tôi chỉ bán ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, sườn non chỉ 80.000 đồng/kg, giò heo 50.000 đồng/kg... Tuy nhiên, hiện nay, người dân tự mổ heo bán khá nhiều nên có ngày tôi bán chưa hết 1 con heo”. Cũng trên tuyến đường này, chị T.T.B. ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cũng bày bán thịt heo trên sạp theo kiểu tự phát. Chị B. cho biết: “Nhà tôi cũng như người dân nơi đây nuôi rất nhiều heo thịt. Nếu bán cho thương lái hoặc tiếp tục nuôi thì bị lỗ nặng, nên tôi bàn với gia đình giết mổ bán thịt những con heo đến lứa xuất chuồng”. Theo chị B. tính toán, bình quân mỗi ngày chị bán khoảng 2 con heo, mỗi con lãi được 400 ngàn đồng.
Hiện nay, giá heo hơi có chiều hướng tăng trở lại. Cụ thể, giá heo hơi liên tục ổn định ở mức từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Ngay khi thương lái bắt đầu mua heo xuất đi Trung Quốc, giá heo hơi đã tăng lên. Lượng heo quá tải trọng (từ 1,3 tạ/con trở lên) không còn nhiều nên thương lái chủ yếu mua heo từ 1 tạ trở xuống để xuất đi Trung Quốc. Sau hàng loạt chương trình đẩy mạnh tiêu thụ, lượng heo đến tuổi xuất chuồng còn tồn giảm mạnh cũng góp phần đẩy giá heo hơi tăng. |
Có thể nói đến thời điểm này, số điểm bán thịt heo tự phát của nông dân rất nhiều và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp chưa thống kê được trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu điểm bán thịt heo tự phát, bao nhiêu điểm bán thịt heo trái phép có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
SẼ TĂNG CƯỜNG CHẤN CHỈNH
Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương gắn với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện một số giải pháp cấp bách để cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi heo như: Mở ra nhiều điểm bán sản phẩm thịt heo, giảm giá vật tư đầu vào cho người nuôi heo, hướng dẫn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng bày bán thịt heo tràn lan, một cán bộ Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, tình trạng tự giết mổ heo bán lẻ khá phổ biến, tập trung hầu hết trên tất cả địa bàn các huyện, thị, thành. Các hoạt động kinh doanh tự phát của các sạp thịt vỉa hè dần lan rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ vỉa hè gần các khu chợ truyền thống đến các tuyến đường lớn và “len lỏi” cả vào tận các ngõ xóm, nơi đông dân cư. Chính vì thế, việc quản lý hoạt động giết mổ thời gian qua còn gặp khó khăn. Đặc biệt, trong chiến dịch “giải cứu” heo, việc giết mổ tự phát, không đúng nơi quy định của Nhà nước vẫn còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phải tổ chức lại hoạt động chăn nuôi heo, sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ khâu đầu vào đến khâu sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Chính quyền các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh mua bán thịt heo thực hiện đúng các quy định về giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt heo; giết mổ heo tại những cơ sở giết mổ đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và có kiểm soát của ngành Thú y; buôn bán thịt heo phải có dấu kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y và phải được bày bán trên bàn, kệ, không được đặt dưới đất.
Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm bán thịt heo theo hướng kích cầu sức mua, góp phần giảm tồn đọng đàn heo đến thời điểm xuất chuồng; chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Mặt khác, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chấn chỉnh ngay việc bày bán thịt heo tràn lan, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
SĨ NGUYÊN