Thứ Hai, 07/08/2017, 21:31 (GMT+7)
.

Ngẫm về danh và thực

Mới đây, tôi vào thăm bạn đang điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương. Nhìn sang người bệnh nằm giường bên, bạn tôi vui vẻ giới thiệu: “Đây là Phó Giáo sư..., nguyên là…”. Chưa dứt lời giới thiệu, ông kia liền ngồi dậy, nhìn bạn tôi với con mắt thiếu thiện cảm: “Tôi là Giáo sư, chứ không phải là Phó Giáo sư, ông hạ thấp tôi rồi”! Bạn tôi nhìn ông vẻ ân hận: “Tôi thành thật xin lỗi Giáo sư, ông giới thiệu với tôi buổi sáng, nhưng vì tuổi cao nên quên ngay. Rất mong ông thông cảm và lượng thứ cho !”. Tôi nhìn bạn mà lòng se lại, ái ngại (!).

Những người không có thực tài, đức nhưng hám danh, háo danh thì tự mình làm méo mó hình ảnh,nhân cách và đánh mất sự tôn trọng của người đời. Ảnh minh họa: Lê Phương
Những người không có thực tài, đức nhưng hám danh, háo danh thì tự mình làm méo mó hình ảnh,nhân cách và đánh mất sự tôn trọng của người đời. Ảnh minh họa: Lê Phương

Còn dưới đây là một số trường hợp người viết bài này được trực tiếp chứng kiến!

Mấy năm trước, tại hội nghị tổng kết công tác năm của một ngành, ban tổ chức giới thiệu vị cán bộ chủ chốt sau khi giới thiệu một cán bộ có chức vụ thấp hơn. Sau hội nghị cơ quan tổ chức đã bị vị cán bộ chủ chốt kia gọi điện phê bình và nhắc nhở gay gắt. Trường hợp khác, có cán bộ lãnh đạo, quản lý đến dự hội nghị chậm giờ khai mạc, khi đến nơi hàng ghế đầu đã có người ngồi kín chỗ, ban tổ chức hội nghị phải bố trí ngồi hàng ghế sau, thế là ngồi một lúc thì lẳng lặng ra về. Lại có cán bộ đến dự một hội nghị long trọng, có nhiều khách mời cả địa phương và trung ương, nhưng ban tổ chức sơ suất bỏ sót một số đại biểu không được giới thiệu, ông ta liền gặp ban tổ chức mắng mỏ, chì chiết và bỏ ra về.

Những hiện tượng trên đây cho thấy cái danh trong đời sống xã hội quan trọng biết nhường nào! Từ cổ xưa cho đến ngày nay, xã hội luôn tôn kính, vinh danh những người thực sự có tài, có đức, có công với đất nước, với cộng đồng; những người không có thực tài đức nhưng hám danh, háo danh thì tự mình làm méo mó hình ảnh, nhân cách và đánh mất sự tôn trọng của người đời!

Danh là tiếng tăm. Chữ danh thường đi kèm với các từ ngữ khác để có một nghĩa rộng hơn: Danh giá, danh dự, tài danh, thanh danh, công danh. Danh và thực là hai khái niệm gắn liền với con người và xã hội. Đó cũng là hai phạm trù có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau.
Danh luôn gắn với tài và đức. Có thực tài mới có thực danh. Có đức, có tài mới có danh. Kẻ sĩ chân chính xưa nay đều là người đức trọng tài cao, nêu gương sáng về tu nhân tích đức, sống cần, kiệm, liêm, chính, khiêm nhường. Tên tuổi họ, công đức họ để lại tiếng thơm muôn đời.

Nhưng cũng có người tài hèn, đức mọn vì háo danh nên không từ bất cứ thủ đoạn nào: chạy chọt, khai man bằng cấp, nịnh bợ ô dù, luồn lách, hối lộ…để có được một chức tước trong xã hội. Người đời thường nhận xét, đánh giá những người tuy có học hàm, học vị hoặc chức vụ cao nhưng không có thực tài, khiếm khuyết về đạo đức, nhân cách là người “hữu danh vô thực”, không được xã hội tôn trọng. Tài năng chỉ có thể phát huy rực rỡ trên tâm đức. Tâm đức càng sáng, càng trong thì tài năng mới nở rộ. Đức trọng tài cao là cốt cách kẻ sĩ, bất cứ thời nào cũng thế.

Danh và thực đều là những thứ mà con người phải bỏ công sức ra mới gặt hái được. Danh kia tuy sang trọng, tuy mát mặt với đời nhưng cũng chỉ như gấm thêu hoa. Chỉ có thực tài, đức mới trường tồn mãi mãi với thời gian!

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.