Thứ Sáu, 22/09/2017, 22:02 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phước chủ động ứng phó với lũ

Theo nhận định của ngành chức năng, lũ năm nay cao và diễn biến phức tạp. Với địa bàn được mệnh danh là “rốn lũ”, vì vậy trong thời gian qua, công tác phòng, chống lũ đã được huyện Tân Phước triển khai khẩn trương; nhiều ô đê bao được xây mới, nâng cấp, gia cố để chủ động ứng phó với lũ.

Huyện Tân Phước nỗ lực gia cố, nâng cấp ô đê bao để bảo vệ 16.550 ha khóm.
Huyện Tân Phước nỗ lực gia cố, nâng cấp ô đê bao để bảo vệ 16.550 ha khóm.

Để chủ động phòng, chống lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã Thạnh Mỹ đã xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với tình huống bất lợi do thiên tai, nhất là lũ, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất tính mạng, tài sản, vật nuôi, cây trồng và các công trình phúc lợi xã hội. Theo đó, công tác PCTT-TKCN được xã tiến hành thường xuyên gắn với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Bên cạnh đó, xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân; tổ chức khảo sát, kiểm tra các hệ thống đê bao để có kế hoạch gia cố, nâng cấp những đoạn đê bao xung yếu đảm bảo phòng, chống lũ. Cụ thể, đơn vị chức năng đang triển khai gia cố, nâng cấp tuyến đê Bắc kinh Ông Địa dài 4 km (thi công đạt 60% khối lượng), gia cố tuyến đê bao Bắc kinh Trung Tâm dài 3,9 km (thi công đạt 80% khối lượng). Anh Nguyễn Tất Linh, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã cho biết: “Hiện toàn xã có 25 ô bao ngăn lũ, 21 trạm bơm điện, 6 cống hở bảo vệ 2.187 ha khóm, 80 ha cây ăn trái và 74 ha màu. Dù vậy, xã cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra”.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã Thạnh Tân xây dựng kế hoạch trên cơ sở lấy đỉnh lũ năm 2000 ở các khu vực, các đê bao trọng điểm, cụm dân cư và cơ quan hành chính. Hiện toàn xã có 12 ô đê bao bảo vệ cho 1.890 ha khóm, 114 ha thanh long và các loại cây trồng khác. Để chủ động phòng, chống lũ, trong thời gian qua, xã cũng đã tiến hành gia cố, nâng cấp các ô đê bao để bảo vệ diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, huyện đang cho triển khai thi công 2 ô đê bao ở ấp 1 và ấp 4; gia cố, nâng cấp tuyến đê Bắc kinh 3 (chiều dài 1.698 m); nạo vét, đắp bờ bao các kinh Tây (1.133 m), kinh Xáng (1.576 m), kinh Xáng 2 (2.746 m), kinh Xáng 4 (1.772 m) để phòng, chống lũ.

Ô đê bao ở xã Thạnh Mỹ.
Ô đê bao ở xã Thạnh Mỹ.

Anh Nguyễn Duy Khiêm, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp - Môi trường xã Thạnh Tân cho biết, kế hoạch phòng, chống lũ được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm các năm trước. Các ban, ngành của xã luôn xem công tác PCTT-TKCN là nhiệm vụ hàng đầu và quán triệt sâu rộng trong cán bộ và nhân dân; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã luôn chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời điều động khi tình huống xấu xảy ra; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn để thông tin cho nhân dân biết để kịp thời ứng phó.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trên địa bàn huyện có 129 ô bao với diện tích bảo vệ 17.676 ha, trong đó cây khóm 16.550 ha. Hiện huyện có 144 trạm bơm với 280 máy bơm, 113 tổ bơm tác. Đến thời điểm này có 91 tổ bơm tác đã đóng quỹ để bơm tác, với số tiền 1,852 tỷ đồng. Nhằm bảo vệ cây khóm khi lũ về, ngoài việc triển khai gia cố các tuyến đê bao, huyện và xã còn nâng cấp các tuyến kinh sạt lở, với tổng kinh phí trên 13,15 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân kiến thức về phòng, chống thiên tai và các biện pháp đề phòng nhà cửa, xuồng ghe, kho bãi khi có gió bão, lốc xoáy, triều cường làm ngập nhà ở, diện tích đất nông nghiệp... Qua đó, nhân dân nâng cao ý thức, chủ động trong phòng, chống thiên tai, nhất là lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

QUỐC TUẤN

.
.
.