Ngừng việc tập thể thực trạng và giải pháp
Thời gian qua, ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh liên tục diễn ra và ngày càng phức tạp. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), cũng như cuộc sống của công nhân, lao động (CNLĐ). Do đó, các giải pháp giải quyết tình trạng này nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và bảo vệ quyền lợi chính đáng của CNLĐ hiện nay là rất
cần thiết.
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong các DN để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể xảy ra. |
LIÊN TỤC XẢY RA NGỪNG VIỆC TẬP THỂ
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ ngừng việc tập thể, với trên 22.662 lượt CNLĐ tham gia. Trong đó, năm 2016 có 11 vụ ngừng việc tập thể, với trên 16.344 CNLĐ tham gia, còn trong 6 tháng đầu năm 2017 có hơn 6.318 CNLĐ tham gia 6 vụ ngừng việc tập thể. Các vụ ngừng việc tập thể xảy ra tập trung nhiều nhất ở các DN thuộc Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (huyện Châu Thành), KCN Long Giang (huyện Tân Phước), huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho...
Đặc điểm của các vụ ngừng việc tập thể đều do CNLĐ tự phát khi có sự bức xúc trong quan hệ lao động, không phải là cuộc đình công do Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức, lãnh đạo theo quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới hệ quả là dù đạt được mục đích về lợi ích cho CNLĐ, nhưng tạo ra tiền lệ là khi không hài lòng, dù sự việc lớn hay nhỏ CNLĐ cũng phản ứng bằng cách ngừng việc, không qua hòa giải, thương lượng. Trong các vụ ngừng việc tập thể xảy ra, có vụ chỉ diễn ra trong vài giờ, cũng có vụ kéo dài hơn 5 ngày. Có doanh nghiệp xảy ra 2 lần ngừng việc tập thể/năm, cũng có doanh nghiệp chỉ trong 6 tháng đã xảy ra đến 2 lần ngừng việc tập thể. Ngừng việc tập thể có nơi chỉ diễn ra ở một bộ phận CNLĐ trong một tổ hoặc một phân xưởng, một chuyền vài chục người, nhưng có nơi xảy ra trong gần toàn bộ DN.
LĐLĐ tỉnh cũng chỉ rõ những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngừng việc tập thể vẫn là xuất phát từ tranh chấp lợi ích giữa DN và CNLĐ về tiền lương, tiền thưởng, giờ làm thêm, chất lượng bữa ăn giữa ca, điều kiện làm việc... Bên cạnh đó, nhiều DN chưa chấp hành tốt các quy định của luật pháp ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLÐ. Từ đó, tranh chấp lao động thường xảy ra dẫn đến ngừng việc tập thể trong DN. Quan trọng hơn, tổ chức Công đoàn trong các DN (chỗ dựa của CNLÐ, là “trọng tài” trong các vụ ngừng việc tập thể) vẫn chưa phát huy và đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ, nên khi có tranh chấp xảy ra giữa DN và CNLÐ thì việc can thiệp, hòa giải không kịp thời.
Mặt khác, việc đối thoại tại nơi làm việc cũng chưa được các bên quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị bức xúc từ phía CNLĐ, dẫn đến xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, việc hiểu biết về pháp luật lao động của CNLÐ cũng còn nhiều hạn chế, dẫn tới ý thức chấp hành Luật Lao động chưa cao; đồng thời tác phong công nghiệp trong lao động của CNLÐ còn nhiều yếu kém...
Theo nhận định của LĐLĐ tỉnh, những vụ ngừng việc tập thể đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của CNLĐ, gây thiệt hại cho DN, đặc biệt làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Với nhiều giải pháp được triển khai, trong đó tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể cấp tỉnh và giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành chức năng khi xảy ra ngừng việc tập thể. Do đó, 17 vụ ngừng việc tập thể xảy ra từ năm 2016 đến nay, chủ yếu là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều được giải quyết ổn thỏa, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho CNLĐ và ổn định sản xuất ở các DN.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực tế hiện nay, các biện pháp giải quyết ngừng việc tập thể mới chỉ dừng ở việc xử lý hậu quả, còn các biện pháp chủ động phòng ngừa chưa được thực hiện. Do đó, để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể hiện nay, đại diện của hầu hết CĐCS ở các DN phát biểu tại buổi tọa đàm “Tranh chấp lao động, đình công xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp” do LĐLĐ tỉnh tổ chức vừa qua đều cho rằng, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động để nâng cao ý thức cho cả 2 bên. Cả người lao động mà đại diện là tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động phải thường xuyên và tích cực đối thoại để tìm ra tiếng nói chung trong giải quyết những vướng mắc giữa các bên. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe các DN khác…
Còn đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, đặc thù của tỉnh là có nhiều CNLĐ trong và ngoài tỉnh làm việc, với nhiều loại hình kinh doanh, sản xuất khác nhau, do đó mức lương, mức thu nhập cũng không đồng đều. Điều này tạo ra sự so sánh trong người lao động nên cũng là nguyên nhân xảy ra các vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể ở các DN. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể thì cần phải nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn. Bởi chỉ khi nào tổ chức Công đoàn thực sự là người đại diện của CNLĐ trong DN thì quan hệ lao động mới thực sự ổn định, hài hòa cho quyền lợi cả đôi bên, làm hạn chế ngừng việc tập thể.
Theo quan điểm của LĐLĐ tỉnh, CNLÐ và DN phải nhận thức đúng mức tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn tại DN. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cần rõ ràng, công khai để CNLÐ nắm bắt kịp thời. Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng, vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là ở cơ sở rất quan trọng; vì đây là địa chỉ đầu tiên được CNLÐ tìm đến khi xảy ra các sự cố, tranh chấp trong DN. Thế nhưng, tại nhiều DN, nhất là các DN FDI chỉ xem tổ chức Công đoàn là “cầu nối” để thỏa thuận các chính sách với CNLÐ. Mặt khác, Công đoàn các cấp phải liên kết chặt chẽ với nhau và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo luật định; có như vậy mới tạo lập sự bình đẳng nhất định giữa DN với CNLÐ và hạn chế các vụ ngừng việc tập thể xảy ra.
HỮU NGHỊ