Vì sao điều kiện kinh doanh tăng nhiều, giảm ít ?
Không ít quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo.
Các điều kiện kinh doanh đang tạo ra nhiều rào cản với doanh nghiệp. - Ảnh minh họa |
Nguyên tắc rõ ràng…
Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014; khoản 2 Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 thì quyền tự do kinh doanh của cá nhân và pháp nhân đã được quy định một cách rõ ràng với một loạt nội dung như sau:
Thứ nhất, “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Thứ hai, “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Thứ ba, “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Thứ tư, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải được quy định trong Luật. Chính vì vậy, năm 2016 Quốc hội đã phải sửa Luật đầu tư, sửa 267 thành 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Thứ năm, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định; không thừa nhận bất kỳ các quy định nào trong thông tư của các bộ và văn bản của chính quyền địa phương.
Thứ sáu, “điều kiện đầu tư kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư”.
Thứ bảy, “điều kiện đầu tư kinh doanh phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”.
Thứ tám, “Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh”.
… nhưng thực tế vẫn rối
Từ chỗ quá nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mơ hồ nằm rải rác ở hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư năm 2014 đã đặt ra nguyên tắc rõ ràng và liệt kê cụ thể Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và tiếp tục được giảm xuống còn 243 vào năm 2016.
Tuy nhiên, việc này không phải là đồng nghĩa với việc giảm được 24 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề vào nhau. Ví dụ có 4 ngành, nghề liên quan đến vàng là “kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”, đã được dồn lại thành 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện duy nhất là “kinh doanh vàng”.
Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị bỏ bớt 26/243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, vì lý do có 16 điều kiện kinh doanh chưa phù hợp và 10 ngành, nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như trong lĩnh vực khai khoáng, phân bón, xuất gạo, nhập xăng, bán gas, buôn rượu, chạy taxi, sản xuất mũ bảo hiểm...
Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh để cụ thể hoá 243 ngành, nghề kinh doanh nêu trên mới là vấn đề rắc rối. Ví dụ ngành, nghề “kinh doanh thực phẩm” là khái niệm quá rộng, lại đồng thời thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của 3 Bộ (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế).
4 nhóm quy định tương tự điều kiện kinh doanh
Khoản 2, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây đã từng quy định: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”.
Hiện nay, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2015 không quy định rõ, nhưng vẫn có thể hiểu rằng, điều kiện kinh doanh được thể hiện thông qua 6 loại điều kiện nêu trên. Nội dung mới của Luật Đầu tư so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 về điều kiện kinh doanh là, các điều kiện đó phải “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Ngoài 6 nhóm điều kiện kinh doanh như nêu trên, vẫn còn ít nhất 4 nhóm quy định dưới đây có thể quy về thực chất là tương tự với điều kiện kinh doanh:
Thứ nhất, yêu cầu về quy hoạch. Việc đưa ra quá nhiều quy hoạch và quy hoạch nhiều ngành, nghề quá chi tiết (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê được tới 3.372 bản quy hoạch ngành, sản phẩm), đã dẫn đến tình trạng tương tự như ngăn cấm, gây trở ngại, khó khăn cho quyền tự do hoạt động đầu tư kinh doanh. Ví dụ, “Quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo” của Bộ Công Thương, nhưng nay đã được Bộ này bãi bỏ.
Thứ hai, yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật. Nhiều trường hợp quy định quy chuẩn kỹ thuật quá cao, dẫn đến không thể thực hiện được hay quá cụ thể, chi tiết, can thiệp vào giải pháp, quyền chủ động kinh doanh. Ví dụ “Yêu cầu tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi” theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quá cao, đòi hỏi các chỉ tiêu chất thải trong chăn nuôi rất thấp, thấp hơn cả yêu cầu của các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan...
Thứ ba, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng là tự nguyện, ngoài một số hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng như thực phẩm. Dù là công bố bắt buộc hay tự nguyện thì doanh nghiệp cũng buộc phải đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ, khi kinh doanh nước chấm, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm” ký hiệu QCVN 8-2:2011/BYT đã quy định giới hạn tỷ lệ asen vô cơ (thạch tín) đối với nước chấm là 1,0 mg/kg hoặc mg/lít. Đồng thời còn phải công bố tiêu chuẩn chất lượng nước chấm.
Thứ tư, yêu cầu về thủ tục hành chính (chưa có luật, mà chỉ có Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về “Kiểm soát thủ tục hành chính”). Với nhiều thủ tục phức tạp, phiền hà, rắc rối, tiêu cực, tốn kém đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài các điều kiện kinh doanh theo luật định, thì còn nhiều loại yêu cầu tương tự như điều kiện kinh doanh “trá hình” khác vẫn ngày đêm phát tác và “oanh tạc” doanh nghiệp, vô lý quyền tự do kinh doanh, gây tốn kém, lãng phí, méo mó nền kinh tế.
Trên thực tế trong thời gian gần đây, điều kiện kinh doanh đang được chuyển đổi qua lại giữa các hình thức nói trên. Điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã được quan tâm giải quyết theo hướng đơn giản hóa và thông thoáng. Nhưng các vấn đề quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thì còn ít được quan tâm. Đặc biệt là tình trạng các cơ quan nhà nước “lách” điều kiện kinh doanh theo quy định của luật và nghị định, thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ, thành quy chuẩn chất lượng theo quy định của thông tư, chỉ thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.
Do các quy định về điểu kiện kinh doanh còn quá phức tạp, rắc rối, nên đã dẫn đến sự đánh giá, kiểm đếm cho ra các con số cũng rất khác nhau. Theo số liệu gần đây nhất, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thống kê được 3.407 điều kiện kinh doanh, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống kê được 5.719 điều kiện kinh doanh thể hiện dưới mọi hình thức.
Kinh tế thị trường và điều kiện kinh doanh
Có thể nói, kinh tế thị trường đồng nghĩa với tự do kinh doanh, và tự do kinh doanh đồng nghĩa với việc phải giảm thiểu điều kiện kinh doanh.
VCCI đã đề xuất cắt bỏ 26 ngành, nghề kinh doanh. Còn CIEM đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ đạo nghiên cứu cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh, tức là bỏ gần 2/3. Thậm chí, tại cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ngày 30/8/2017, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đúng ra phải đề xuất cắt bỏ khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh.
Yêu cầu cất bỏ phần lớn điều kiện kinh doanh không có nghĩa là buông quản lý, mà là sự thay đổi tư duy và cách thức quản lý, thật sự chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đã đến lúc cần phải dứt khoát chuyển một phần lớn điều kiện kinh doanh thành tiêu chuẩn chất lượng (là tự nguyện, không phải là bắt buộc), một phần nhỏ chuyển thành quy chuẩn chất lượng (bắt buộc) và chỉ để lại rất ít điều kiện kinh doanh buộc phải đáp ứng được trước khi bắt tay vào kinh doanh. Tức là hàng hoá, dịch vụ vẫn cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, nhưng không phải tất cả là bắt buộc và chủ yếu là yêu cầu tại thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường chứ không phải là tại thời điểm chưa tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Biện pháp kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất chính là việc nhanh chóng cắt giảm toàn bộ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo chinhphu.vn