Thứ Ba, 17/10/2017, 14:35 (GMT+7)
.

Hoa màu, cây trái thiệt hại nặng sau mưa

Những cơn mưa lớn và kéo dài trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại nặng cho Làng hoa Mỹ Tho, cũng như các loại rau màu và cây ăn trái khác ở TP. Mỹ Tho. Nhiều loại hoa phải “lỗi hẹn” với tết vì không đủ giống cung cấp cho người trồng, rau màu và cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do thoát nước không kịp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều sang chiết những cây cúc Hà Lan còn lại vào chiều 13-10.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều sang chiết những cây cúc Hà Lan còn lại vào chiều 13-10.

LÀNG HOA THIỆT HẠI NẶNG

Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong) tất bật chạy tìm giống cúc Hà Lan để thay thế cho số cúc trước đó bị úng chết. Tuy nhiên, các cơ sở cung cấp không còn cây giống hoặc ươm giống cũng bị thiệt hại sau những đợt mưa này. Không còn cách nào khác, bà buộc phải đến từng giỏ, lựa từng cây còn sót lại để trồng cho đủ số lượng cây trong giỏ (3 hoặc 4 cây/giỏ). Đối với những giỏ không có cây giống thay thế, bà chuyển đến nơi khác trồng những loại hoa ngắn ngày hơn. Bà Kiều cho biết: “Gia đình xuống giống 6.000 giỏ hoa cúc Hà Lan nhưng bị thiệt hại hơn 30% cây con. Số cây con khác sẽ còn bị thiệt hại sau khi nắng trở lại. Mặc dù gia đình đã chủ động bơm tát nhưng do mưa quá to và kéo dài nên nước thoát ra không kịp…”. Cơn mưa lớn và kéo dài tối 13 và rạng sáng 14-10 đã gây thiệt hại từ 50% - 70% cây giống còn lại của bà Kiều.

Là một trong những người trồng hoa có nhiều kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Nuôi (cùng ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong) đã chủ động máy bơm tát ngay khi trời sắp mưa. Dù vậy, số lượng hoa của ông cũng bị thiệt hại trên dưới 20%. Ông Nuôi cho biết, nước bơm ra không kịp, nhiều giỏ hoa bị ngập, thậm chí bị trôi xuống các rãnh… thì sao không bị thối, bệnh thán thư, rỉ sắt và chết.

Một nông dân phun nước rửa sạch giỏ hoa sau những cơn mưa lớn.
Một nông dân phun nước rửa sạch giỏ hoa sau những cơn mưa lớn.

Có thể nói, Làng hoa Mỹ Tho đã bị thiệt hại nặng nề sau những cơn mưa lớn và kéo dài kết hợp với triều cường vừa qua. Ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoa tươi Mỹ Phong cho biết, số lượng hoa đã xuống giống bị thiệt hại trên dưới 30%, thậm chí nhiều nơi ngập nặng bị mất trắng. Điều đáng lo ngại hiện nay là không có cây con giống để thay thế. Vì giống hoa vừa ươm ra rễ đã bị thối gần hết, số lượng cây con khác lại không ra rễ. Trong khi đó, ngày xuống giống cúc Hà Lan đã trễ, nên dự báo loại cúc này sẽ hút vào dịp cuối năm. “Số lượng hoa đã xuống giống bị những trận mưa trước đó dập tơi tả. Vừa mới phục hồi thì lại bị trận mưa tối ngày 13 và rạng sáng 14-10 dập tiếp nữa. Những ruộng hoa nào thấp, không chủ động thoát nước thì đợt mưa này làm thiệt hại gần như 100%” - ông Nhung cho hay.

Làng hoa Mỹ Tho năm nay xuống giống khoảng 800.000 giỏ hoa các loại, trong đó có 35.000 giỏ cúc mâm xôi, 300.000 giỏ cúc Hà Lan, 250.000 giỏ cúc vàng hòe… Hiện nay, nông dân đã xuống giống được 35.000 giỏ cúc mâm xôi và 300.000 giỏ hoa cúc Hà Lan. Trong đó, số lượng hoa đã xuống giống bị thiệt hại khoảng 30%.

RAU MÀU, CÂY TRÁI THIỆT HẠI KHÔNG KÉM

Số lượng rau màu, cây ăn trái trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng bị thiệt hại không nhỏ sau những cơn mưa vừa qua. Bà Nguyễn Thị M. (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong) xuống giống hơn 0,3 ha dưa leo cho biết, gia đình mới thu hoạch được 1 - 2 đợt trái thì mưa ngập lênh láng và chết toàn bộ sau đó vài ngày, ước thiệt hại trên 10 triệu đồng.

Còn đối với cây dừa, việc trữ nước và điều phối nước trong ao cũng rất quan trọng. Ông Lê Hoài Nam, ấp 5, xã Đạo Thạnh trồng 0,7 ha dừa cũng bị thiệt hại sau các cơn mưa vừa qua. Ông Nam cho biết, trồng dừa phải giữ nước vừa phải trong ao. Nước ít quá hay nhiều quá cũng làm ảnh hưởng đến năng suất của cây dừa. Những cơn mưa vừa qua làm nước ngập sâu nên lượng trái dừa trên cây cũng bị rụng rất nhiều, ước thiệt hại trên 3 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng cho biết, chưa thống kê đầy đủ số lượng thiệt hại về hoa màu và cây ăn trái sau đợt mưa to kết hợp với triều cường. Nhưng qua làm việc với các địa phương, xã Tân Mỹ Chánh có 59 ha bưởi bị ảnh hưởng do người dân chưa chủ động trong việc bơm tát kịp thời, một số vườn bưởi nơi đây bắt đầu có dấu hiệu vàng lá. Ở xã Mỹ Phong, số lượng hoa đã xuống giống bị thiệt hại đáng kể do ngập úng và các loại bệnh sau mưa dầm. Hiện nông dân đang xử lý thuốc để ngăn ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, nông dân cho rằng tình hình ngập úng thêm nặng nề là do cống đập Gò Cát, Bảo Định chưa vận hành phù hợp, chưa linh hoạt, chưa sát thực tiễn… Các cống đập này giữ nước ở kinh trục chính quá cao trong mùa mưa bão; xả cống đập vào lúc triều cường, mưa lớn khiến cho tình trạng ngập úng thêm trầm trọng. Còn cống thoát nước ở đường huyện 89 băng qua Quốc lộ 50 (đoạn gần UBND xã Mỹ Phong) lại đặt quá cao và bị lấp gần hết. Vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, việc vận hành cống theo quy trình và có thông báo từ trước. Việc vận hành lấy, xả nước của các cống đập này liên quan đến rất nhiều khu vực, do đó không vì lợi ích ở TP. Mỹ Tho mà ảnh hưởng đến những nơi khác.

Việc đóng, mở cống của Ban Quản lý cống cũng phải xin phép cấp trên. Đối với cống thoát nước ở đường huyện 89 băng qua Quốc lộ 50, đây là cống treo và là công trình của Bộ Giao thông - Vận tải thi công trước đây. Hiện nay, việc khắc phục cống này cũng rất khó khăn vì phải xin phép Bộ Giao thông - Vận tải, Sở Giao thông - Vận tải… “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xin chủ trương khắc phục cống thoát nước này, nhằm giảm thiệt hại cho bà con trong mùa mưa bão, cũng như những tháng khô hạn. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này chưa được giải quyết”- Trưởng phòng Kinh tế thành phố nói.

SĨ NGUYÊN

.
.
.