Khó khăn trong thực hiện liên kết vùng theo cơ chế Nhà nước
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, những nỗ lực liên kết vùng chính thức của Nhà nước ở khu vực này đến nay đã thất bại.
Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh trình bày tại buổi ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL. |
Tại lễ ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL diễn ra chiều 25-10, ở Bến Tre trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2017, ông Tự Anh - người được bầu giữ chức trưởng nhóm cho biết, chủ đề liên kết vùng đã được nói đến quá nhiều và đến thời điểm này có thể tổng kết bằng hai chữ, đó là "thất bại". “Tất cả các cơ chế liên kết vùng của Nhà nước thực hiện đến thời điểm này là không đạt mục tiêu như kỳ vọng”, ông khẳng định.
Vậy tại sao liên kết vùng bị thất bại?
Theo ông Tự Anh, thất bại xuất phát từ nhiều nguyên do. Thứ nhất, mục tiêu quá tầm với. “Nếu nhìn vào các kế hoạch hay các thiết kế về liên kết vùng, chúng ta có rất nhiều mục tiêu xa rời, thiếu thực tế nên dẫn đến thất bại”, ông cho biết.
Thứ hai, đó là cơ chế kém hiệu lực. Ông Anh nói rằng, một trong những điều rất quan trọng khi đưa ra các cơ chế hợp tác, thì phải có tính cưỡng chế thi hành hay nói cách khác có cơ chế, thì phải có biện pháp thực hiện cơ chế đó. “Nhưng trên thực tế, các ban chỉ đạo, hội đồng vùng chẳng hạn, là những thiết chế do Nhà nước đưa ra, gặp nhau xuân thu nhị kỳ, mỗi kỳ họp đều có kết luận xong khi về mạnh ai nấy làm, các cơ chế thực thi kém hiệu lực”, ông cho biết.
Thứ ba, là nguồn lực bất cập, tức là khi có cơ chế, nhưng lại không có nguồn lực đi kèm, thì cơ chế đó sẽ không vận hành được. “Ví dụ, Việt Nam có hai cấp ngân sách là trung ương và địa phương, chứ không có cấp ngân sách vùng. Không có ngân sách vùng, trong khi có nhu cầu các dự án ở cấp vùng, thì lấy ngân sách ở đâu?”, ông nêu câu hỏi.
Thứ tư, đó là trông chờ vào “nhạc trưởng”. “Tôi nhớ cách đây 7 năm, tôi cùng nhóm nghiên cứu đi một vòng ĐBSCL để khảo sát về cơ chế liên kết, gần như điều đầu tiên mọi người đều nói là “phải có nhạc trưởng”. Tuy nhiên, suốt bảy năm qua liên kết vẫn không thành công vì tâm lý trông chờ "nhạc trưởng". Vì vậy, cần phải bỏ tâm lý trông chờ này, phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông nhận xét.
Cuối cùng, theo ông Tự Anh, hiện tồn tại rất nhiều xung lực phá vỡ liên kết vùng. Đơn cử như các địa phương Việt Nam đều muốn tăng trưởng GDP, mà muốn GDP tăng trưởng, địa phương phải lo cho họ trước. “Chẳng hạn, có một khoản đầu tư, nếu chúng ta liên kết với nhau, có động cơ đúng sẽ tạo ra đầu tư có tính liên vùng. Thế nhưng, nếu ai cũng vun vén cho bản thân mình, thì rất khó có thể tạo ra được cơ chế liên kết vùng. Điều đó sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh trở nên phổ biến và như vậy phá vỡ luôn liên kết vùng ,hay nói cách khác, cơ chế của trung ương đã tạo ra những xung lực phá vỡ các lực liên kết vùng, tức lực ly tâm mạnh hơn lực hướng tâm”, ông cho biết.
Còn xét về mặt kinh tế, theo ông Tự Anh, ĐBSCL đang tụt hậu và chịu rất nhiều thiệt thòi trong phát triển. “Rõ ràng, nếu nhìn vào số liệu thống kê, vùng ĐBSCL là nghèo nhất nước về mọi phương diện, cả về GDP, thu nhập bình quân đầu người và về chi tiêu trên đầu người”, ông dẫn chứng.
Rất khó triển khia liên kết vùng theo cơ chế Nhà nước (ảnh minh họa). Ảnh: Vân Anh |
Không những thế, theo ông Tự Anh, vùng ĐBSCL đang bị bỏ quên, trong khi nguồn lực lại có hạn, làm cho sức mạnh của ĐBSCL vốn đã yếu lại càng yếu hơn.
Cụ thể, theo ông Tự Anh, trong khi thu ngân sách trên đầu người của ĐBSCL không quá thua kém so với Tây Nguyên, miền núi phía Bắc nhưng về chi ngân sách thì bình quân đầu người của ĐBSCL chỉ 5,4 triệu đồng, trong khi Tây Nguyên là 7,5 triệu đồng và miền núi phía Bắc là 10,4 triệu đồng. “Điều đó có nghĩa, dù thu ngân sách không thua kém quá nhiều so với các địa phương khác, nhưng xét về mặt chi ĐBSCL chỉ bằng 2/3 Tây Nguyên và bằng một nửa miền núi phía Bắc, hay nói cách khác vùng này đang bị bỏ quên không chỉ về cơ chế chính sách, mà còn bị bỏ quên luôn về mặt nguồn lực, về đầu tư”, ông cho biết và dẫn chứng khi nhìn vào con số ki lô mét đầu tư hạ tầng giao thông, vùng chỉ có 45 ki lô mét đường cao tốc, một con số không đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước.
Trong bối cảnh liên kết vùng theo cơ chế của Nhà nước thất bại cũng như nguồn lực dành cho vùng này đang bị trung ương bỏ quên, thì nhu cầu liên kết vùng tự thân của các địa phương được hình thành. Điển hình như sự ra đời của nhóm ABCD Mêkông với bốn địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp.
“Sự xuất hiện của một cơ chế liên kết mới, nó không nằm trong một cơ chế liên kết chính thức do trung ương quy định, thì đây là sự hợp tác xuất phát từ nhu cầu tự thân của các địa phương với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức..., các địa phương hợp tác với nhau để cùng tạo ra cơ chế liên kết mới”, ông cho biết và khẳng định: “Đây là xu hướng đúng đắn và con đường đúng đắn trong hợp tác hiện nay ở ĐBSCL”.
(Theo thesaigontimes.vn)