Thứ Bảy, 18/11/2017, 18:04 (GMT+7)
.

Mạng xã hội chỉ là phương tiện, vấn đề là ý thức của người dùng

Phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường mà chúng ta đi. Còn trách nhiệm là của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, kẻ xấu. Do đó, đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11. Tại phiên chất vấn này, việc xử lý báo chí vi phạm, đưa tin sai sự thật, quản lý mạng xã hội là những vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tình trạng báo chí vi phạm, đưa tin sai sự thật là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. Có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn.

Tuy nhiên, sai phạm đó của báo chí cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu, bên cạnh đó thì sai phạm cũng đáng báo động.

Luật Báo chí năm 2016 đã khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trong báo chí nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm, được nêu rất rõ trong Luật Báo chí năm 2016 tại Điều 9.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chỉ đạo để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí và hoạt động báo chí.

Theo ông Trương Minh Tuấn, trong năm 2016, Bộ TT&TT đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí. Có thể nói năm 2016 là năm Bộ xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn, có thời điểm chỉ trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật.

Trong các cuộc họp giao ban với các cơ quan báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung thông tin, bảo đảm thông tin một cách khách quan, chính xác và kịp thời.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện vai trò tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực báo chí. Rà soát lại tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo, thu hồi thẻ nhà báo đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật. Bộ TT&TT cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ nhầm lẫn với thẻ nhà báo.

Đề cập đến vấn đề thông tin giả, bôi nhọ trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin ở khu vực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng internet, mạng xã hội đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Giới trẻ Việt Nam cũng ứng dụng rất nhanh công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông tin rất giỏi. Vì vậy, mạng xã hội, internet ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Trước hết, nó làm cho con người xích lại gần nhau, tăng cường sự giao lưu, mọi người cảm thấy rất gần gũi nhau khi tiếp xúc qua mạng xã hội.

Đồng thời, kho kiến thức đồ sộ, khổng lồ của mạng xã hội làm cho con người lúc nào cũng có thể truy cập vào mạng xã hội để tìm kiếm kiến thức và tìm hiểu hiểu biết ở tất cả mọi nơi, mọi lúc.

Vai trò của mạng xã hội nói riêng và của internet nói chung là hoàn toàn không thể phủ nhận và không ai có thể đi ngược lại xu hướng mà phải tiếp cận đến các sự phát triển của mạng xã hội và internet.

Bên cạnh những tiện ích rất lớn đó thì những tác hại do mạng xã hội đem lại cũng không phải nhỏ. Trên thực tế, những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.

“Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không? Vấn đề chúng ta phải nhìn nhận rõ ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên con đường đó. Còn trách nhiệm của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp, nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu.

Bộ trưởng cũng nêu lên thực trạng, nếu nói tốt ở trên mạng xã hội thì ít người vào và ít người quan tâm. Nhưng một lời lẽ xúc phạm nhau trên mạng xã hội và bất kỳ lý do gì cũng có thể xúc phạm nhau trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí, từ năm 2014 đến nay, ít nhất có 5-6 trường hợp tự tử vì mạng xã hội, vì nội dung bôi nhọ trên mạng xã hội, tình trạng “ném đá tập thể” trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói chửi bới, lăng mạ nhau trên mạng xã hội, bất chấp, không đặt mình vào người nạn nhân nên dẫn đến tình trạng năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan để phối hợp xử lý, làm thế nào để tăng cường năng lượng tốt ở trên mạng xã hội, giảm bớt năng lượng xấu và đi đến hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội. Bộ TT&TT đã tăng cường cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội nhưng đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội. Đồng thời, làm việc với các mạng xã hội ở nước ngoài để tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp, tác động để gỡ bỏ rất nhiều, khoảng gần 5.000 clip trên mạng xã hội Youtube, là những clip xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như quyền của cá nhân.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.