Thứ Hai, 06/11/2017, 21:49 (GMT+7)
.

Mất cân bằng giới tính có nguyên nhân từ định kiến giới

Tiền Giang là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ trong nhóm trẻ sơ sinh. Chỉ số giới tính khi sinh của trẻ em tỉnh Tiền Giang những năm gần đây dao động từ 110 đến 119 bé trai/100 bé gái. Đây là một trong những hậu quả của tình trạng bất bình đẳng giới.  

Bác sĩ Nguyễn Thành Sang, Giám đốc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chia sẻ về thực trạng và giải pháp giảm thiểu MCBGTKS cho học sinh Trường THPT Chợ Gạo.
Bác sĩ Nguyễn Thành Sang, Giám đốc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chia sẻ về thực trạng và giải pháp giảm thiểu MCBGTKS cho học sinh Trường THPT Chợ Gạo.

THÁCH THỨC TỪ ĐỊNH KIẾN

Mặc dù từ lâu xã hội đã coi trọng vai trò người phụ nữ và bình đẳng nam nữ, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ từ bao đời nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận dân cư.

Truyền thống của người Việt Nam coi  con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính cho cha mẹ khi về già, là người nối dõi tông đường, duy trì huyết thống gia đình, dòng tộc và có vai trò trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Trong hoạt động sản xuất, con trai rất cần cho các công việc lao động nặng nhọc... Chính vì vậy, gia đình nào cũng mong muốn sinh cho được con trai.

Luật pháp nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng nhiều người vẫn muốn và quyết tâm có con trai. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, vấn đề sinh con trai hay con gái không còn quá khó khăn như trước đây. Ngay từ khi chưa mang thai, không ít cặp vợ chồng đã tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn “làm cách nào, ăn uống ra sao để sinh được con trai...”. Với kỹ thuật siêu âm hiện đại, giới tính thai nhi được phát hiện rất sớm. Qua đó cho thấy, trong số hàng ngàn ca nạo phá thai trong toàn tỉnh hằng năm, dù không ai thừa nhận vì lý do lựa chọn giới tính nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Xét về yếu tố pháp lý, chính sách dân số có 1 - 2 con đã giải quyết tốt vấn đề về quy mô dân số, nhưng trong điều kiện phong tục, tập quán trọng nam hơn nữ, đã tạo sức ép lớn đến vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi (lựa chọn thai nhi nam). Việc cho phép nạo, phá thai một mặt tạo hành lang pháp lý giúp các cặp vợ chồng phá thai nhằm tránh sinh con ngoài ý muốn, mặt khác lại tạo cơ hội để các cặp vợ chồng lợi dụng thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách loại bỏ thai nhi nữ. Trong khi đó, nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nêu trong Pháp lệnh Dân số 2003 chưa được người dân chấp hành đúng.

HỆ LỤY NẶNG NỀ CHO TƯƠNG LAI

Theo chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là 1 trong số 14 nước khu vực châu Á nằm trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Điều này đã khiến sự “thiếu hụt” phụ nữ và trẻ em gái tăng từ 66 triệu vào năm 1950 ước tính tăng lên 117 triệu tại thời điểm hiện nay. Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tính khi sinh của nước ta tiếp tục tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì cho đến năm 2050. Các chuyên gia quốc tế đã tính toán, với tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay thì đến năm 2020 nước ta có khoảng 700.000 đàn ông trong độ tuổi 15 - 49 “dư thừa” và đến năm 2050 là khoảng 2,3 đến 4,3 triệu người. Theo dự báo, có tới hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ phải chịu đựng cuộc sống độc thân, đơn côi suốt đời. Hậu quả về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an ninh và an sinh xã hội… chắc chắn sẽ nặng nề.

MCBGTKS không những không cải thiện vị thế của phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm gia tăng; phát sinh hôn nhân vụ lợi và tội phạm tình dục; bạo hành giới… Sự gia tăng của MCBGTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại, tình trạng này về lâu dài sẽ tác động không tốt đến sự phát triển của đất nước. Đây là vấn đề thách thức cho toàn xã hội. Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là một trong những biểu hiện quan trọng để đánh giá mức tiến bộ của bình đẳng giới trong xã hội.

THỦY HÀ

.
.
.