Thứ Tư, 25/04/2018, 16:18 (GMT+7)
.

Mùng 10 tháng 3, ngày khoan thư bản lĩnh dân tộc

Hàng triệu người Việt có niềm tin son sắc rằng tất cả chúng ta đều chảy trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng, đó chính là “đồng bào” - hai từ mà Bác Hồ thường dùng trong suốt quãng đời cách mạng.

Giỗ tổ Hùng Vương là dịp quốc lễ nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu Đại Việt trước công lao dựng nước của các vua Hùng. Cứ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng triệu người lại nô nức hướng về đất tổ để dâng lễ, thắp hương, bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc.

Cho đến nay gốc gác vua Hùng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Vua Hùng có đúng 18 đời?  Vậy giỗ tổ vua Hùng là giỗ ai? Tổ vua Hùng đương nhiên không phải là một trong nhiều đời. Đầu tiên phải nói đến nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc long Quân sau đó kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Vậy giỗ tổ vua Hùng là tưởng nhớ Kinh Dương Vương?

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của lịch sử. Trộm nghĩ, nếu lịch sử rõ ràng như ban ngày thì không cần đến các nhà sử học, không cần sự tồn tại của khoa học lịch sử. Những câu hỏi luôn là một phần quan trọng để con người nhìn lịch sử bằng con mắt khám phá.
Một giảng viên dạy sử nổi tiếng của Đại học Khoa học (Đại học Huế) nói: “Lịch sử không chỉ là con số và sự kiện, cái quan trọng là từ con số, sự kiện ấy nói lên điều gì”. Cũng như thế, vua Hùng thật sự là ai, giỗ tổ vua Hùng là ai không còn quan trọng!

a
Giỗ tổ Hùng Vương, nơi nuôi dưỡng bản lĩnh dân tộc.

Điều quan trọng nhất là hàng triệu người Việt có một niềm tin rằng tất cả chúng ta đều chảy trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng, đó chính là “đồng bào” – hai từ mà Bác Hồ thường sử dụng trong suốt quãng đời cách mạng.
Một dân tộc muốn trường tồn, trước hết cần có “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, gieo hạt mầm niềm tin, nó như một thứ chủ nghĩa mà bất cứ ai sinh ra đều sẵn có. Cơ nghiệp vua Hùng dựng xây cách thời đại chúng ta hàng chục thế kỷ, những gì vang vọng lại đều là truyền thuyết.
Song, hơn chín chục triệu dân Việt Nam ai cũng thuộc lòng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thôi thúc hàng lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, rời ghế nhà trường, dứt bỏ cuộc sống ấm êm, để lại sau lưng vô vàn thương nhớ, cầm súng bảo vệ quê hương đất nước bằng lý tưởng cách mạng.

Hãy xem bài học từ các nước khác. Người Nhật cho nguồn gốc dân tộc họ là Thái Dương Thần Nữ xem ra cũng chẳng đúng tinh thần khoa học gì. Vậy mà họ chưa bao giờ đặt vấn đề tìm hiểu tại sao nguồn gốc dân tộc và sự hình thành quốc gia cho đúng tinh thần khoa học. Quan trọng là điều ấy bồi bổ cho người Nhật một tinh thần samurai “võ sĩ đạo”.

a
Một dân tộc muốn trường tồn phải có "sợi chỉ đỏ" kết nối (Nguồn: phutho.dfa.gov.vn)

Với người Do Thái, lịch sử lưu lạc 4.000 năm, có khi đứng bên bờ diệt vong bởi chủ nghĩa phát xít. Nhưng điều gì khiến dân tộc này có sức sống mãnh liệt ngoài tài năng trí tuệ vượt trội?

Họ (người Do Thái) có niềm tin sắt đá vào thánh Abraham, người đã vâng theo lời gọi của Thượng Đế rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) đến lập nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay.

Cả Nhật Bản và Israel ngày nay đều là những quốc gia phát triển. Thật may mắn chúng ta còn có những truyền thuyết, trước sau thống nhất về một nguồn gốc, một lịch sử đáng quý.

Và còn có lòng tin son sắc trước sau như một của những người mang dòng máu Việt dù sống bất cứ nơi đâu trên trái đất với tổ tông nên Tổ quốc còn tồn tại được đến ngày hôm nay.

(Theo enternews.vn)
        

 

.
.
Liên kết hữu ích
.