Thứ Tư, 13/03/2019, 21:17 (GMT+7)
.

Xử lý tin bịa đặt trên mạng xã hội, liệu có khó?

Cần tỉnh táo với những thông tin trên mạng xã hội là cảnh báo không mới, nhưng nhiều người vẫn bị lầm, dẫn đến nhiều hệ luỵ về mặt xã hội.
 
Thời của công nghệ, bùng nổ thông tin với thật giả lẫn lộn; nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để đưa những tin bịa đặt vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Minh chứng gần đây là việc “cò đất” tung tin trên "phây" chuẩn bị có quận mới tách ra từ quận Hòa Vang (Đà Nẵng) đã tạo nên "cơn sốt" giá đất trên địa bàn; thậm chí các đối tượng còn làm giả cả quyết định của lãnh đạo địa phương để lừa người dân. Hiện các ngành chức năng đang vào cuộc điều tra xử lý; nhưng qua đó cho thấy tính phức tạp của tin giả trên mạng xã hội.
 
Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng, và chính quyền cũng cần ứng dụng tốt công nghệ để có những thông tin chính thống tương tác nhanh với người dân, nhằm định hướng dư luận. Đặc biệt là cần công khai những thông tin qui hoạch để người dân biết, tránh trường hợp rò rỉ thông tin qui hoạch thật để "cò đất" lợi dụng;  sau này “cò” tung tin qui hoạch giả nên người dân tin.
 
 
Một trường hợp khác cũng đáng lưu ý hiện nay là việc giả mạo Facebook của những người nổi tiếng, người có uy tín, hoặc của cơ quan công quyền để đưa những thông tin sai sự thật vì lợi ích cá nhân. Mới đây là một trang Facebook mạo danh "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" để đưa thông tin sai về nước mắm. Ban Tuyên giáo Trung ương phải lên tiếng khẳng định là Ban không có bất kỳ trang facebook nào để chia sẻ thông tin.
 
Rõ ràng, đã đến lúc cần xử lý quyết liệt hơn với những đối tượng sử dụng cũng như mạo danh các trang mạng để đưa thông tin bịa đặt vì mục đích dụ lợi và cả động cơ chính trị. Bởi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thì những hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Luật thì đã có, nhưng việc thực thi xem ra không đơn giản, bởi vấn đề là khó định lượng được thiệt hại cụ thể về vật chất, tinh thần của những tin thất thiệt, nên khó xác định được tội danh đang áp dụng trong các bộ luật hiện hành. Thực tế ở góc độ pháp luật, những hành vi như tung tin bịa đặt chưa có những điều khoản để điều chỉnh một cách chi tiết. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong công tác xử lý đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trong thời gian vừa qua.
 
Vì thế, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu để sớm ban hành những quy định cụ thể hơn. Trên cơ sở đó, các cơ quan thực thi sẽ có đầy đủ công cụ, chế tài đủ sức răn đe, có thể giải quyết triệt để hơn hành vi vi phạm pháp luật này.
                                                                       
 DS
 
 
 
 
.
.
Liên kết hữu ích
.