Từ Khá Bảnh đến Yeah1
Còn bao nhiêu sự phụ thuộc như thế đang ngấm ngầm trói buộc doanh nghiệp Việt Nam, và cả một thế hệ lấy việc “xem bất chấp”, “lướt vô tình” là lẽ sống?
Nổi tiếng đồng nghĩa với có nhiều tiền, đó là công thức ngắn gọn nhất lúc này trên mạng xã hội, bất chấp nổi tiếng bằng danh tiếng hay tai tiếng. “Thảm họa Lệ Rơi”, “Thánh chửi Dương Minh Tuyền”, “Bà Tưng”, “Khá Bảnh”… không khùng điên như cách nghĩ của đại đa số!
Những nhân vật này là những “cao thủ” kiếm tiền trên không gian ảo, sự quái dị gây sốc, sự phản cảm tột mức khiến chúng ta la ó… Bọn họ chỉ cần như thế là đủ để mang lại cho Youtobe lượt xem khổng lồ, chạy quảng cáo sinh ra tiền, chi trả một phần cho các chủ nhân trên.
Mức thù lao “khủng” mà Youtobe trả cho Khá Bảnh khiến ai cũng trầm trồ, từ 7.000 đến 20.000 USD/tháng. Những người trẻ phải làm gì để kiếm được số tiền khủng khiếp ấy, mồ hôi, nước mắt, xương máu mà chưa chắc thành công… cách nhanh nhất là “khổ nhục kế”.
Đáng buồn thay, có đến 2 triệu lượt theo dõi kênh Youtobe của Khá Bảnh, đa số là học sinh, các em học gì ở đó? Đốt xe, hủy hoại tài sản, văng tục, đánh chém nhau…!?
Đến cả chửi lộn, văng tục cũng được phong “thánh”, nửa triệu người theo dõi, phấn khích đợi chờ “sản phẩm mới”. Trách ai khi một bộ phận đông đảo giới trẻ buông lỏng thị hiếu thẩm mỹ và sự “ngó lơ” của cơ quan chức năng.
Mạng xã hội có vô vàn “hình mẫu” na ná như Khá, “thánh chửi” chỉ cần đăng tải một hình ảnh dung tục, vài câu nói “đặc mùi” giang hồ, chỉ vài phút đã có hàng ngàn lượt thích, bình luận thiếu văn hóa - đối tượng lại là tuổi đôi mươi.
Những tài khoản như thế không lập ra cho vui, đằng sau đó là cả ekip vận hành, giăng ra cái bẫy “phản đối cũng tốt, đồng tình lại càng hay”, có hợp đồng quảng cáo tiền sẽ đổ vào túi. Và không ai biết được trong não trạng hàng triệu thanh niên đang hình thành nhân cách đã tiêm nhiễm những gì.
Chắc chắn rằng, vấn nạn bạo lực học đường, án mạng dã man, thần tượng “xã hội đen”, lệch lạc quan điểm sống trong giới trẻ ngày nay có một phần nguyên nhân từ đó.
Tuy nhiên, chuyện của Khá Bảnh còn để lại nhiều thứ khác nữa, đặt ra cho nhà chức trách nhiệm vụ quản lý kinh doanh online. Trước hết đó là một dạng kinh doanh “bẩn”, không thua kém thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng lậu… thậm chí còn góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội nhanh hơn bất cứ thứ gì.
Đã kinh doanh “bẩn” còn thoát thuế ngoạn mục? Khá Bảnh kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng, cơ quan thuế ở Bắc Ninh vẫn chưa thu được xu nào.
Theo quy định hiện hành, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh (chứ không phải cá nhân nhận tiền lương). Người có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế.
Không thu được thuế có nghĩa nhà chức trách không biết Khá đang làm gì, ở đâu, và đương nhiên bỏ ngoài pháp luật “ngành nghề” gieo rắc cái độc hại cho xã hội.
Yeah1 là cái tên nổi đình nổi đám gần đây liên quan đến cam kết với nền tảng YouTube. Vụ việc khởi phát từ thông tin Yeah1 đưa ra cho hay YouTube xác định SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Yeah1 bị khủng hoảng bởi cáo buộc từ Youtobe |
Cỗ máy kiếm tiền bị sập ngay lập tức nếu YouTube phản ứng bằng cách chấm dứt lưu trữ nội dung có hoạt động kinh doanh liên quan đến quảng cáo của Yeah1.
Chung quy lại, đây là một dạng Khá Bảnh cao cấp hơn, muốn “bật tính năng kiếm tiền” cho những kênh YouTube mới thành lập, bằng nội dung giật gân.
Năm 2017, Yeah1 Network từng bị cấm thu nhận kênh và bị Bộ TT&TT phạt 20 triệu đồng vì chứa chấp nội dung có hại đến trẻ em, không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật..
Một cú rơi tỏm đầy đắng cay của doanh nghiệp Việt Nam, vì phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài và bị cáo buộc vi phạm chính sách của họ…
Nhưng, cả Khá Bảnh, “thánh chửi” và Yeah1 cần phải đặt câu hỏi trách nhiệm của YouTube ở đâu khi để nội dung độc hại tràn lan suốt thời gian dài, phải chăng “ông lớn” này cũng cần đến lượng người theo dõi thông tin “bẩn”.
Sự dung túng của YouTube làm xuất hiện những hiện tượng mạng nổi tiếng nhờ tai tiếng và cả cú rơi tự do như Yeah1.
Tương tự, còn bao nhiệu sự phụ thuộc như thế đang ngấm ngầm trói buộc doanh nghiệp Việt Nam, và cả một thế hệ lấy việc “xem”, “thể hiện quan điểm” là lẽ sống?
(Theo enternews.vn)
.