Thứ Ba, 17/12/2019, 10:28 (GMT+7)
.

Những lưu ý cho cuộc "đại phẫu" nông nghiệp ĐBSCL

Một cuộc “đại phẫu” ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đặt ra trong bối cảnh thực trạng ngành này chưa mang lại cuộc sống khá hơn cho người nông dân. Cuộc “đại phẫu” để “xoay trục” ngành nông nghiệp sẽ đi theo hướng nào vẫn chưa có quyết định cuối cùng, nhưng đã có một số lưu ý được các chuyên gia trong ngành nêu ra để tham khảo.

Giảm diện tích lúa trong chiến lược phát triển ĐBSCL theo các chuyên gia là cần thiết. Ảnh: Trung Chánh
Giảm diện tích lúa trong chiến lược phát triển ĐBSCL theo các chuyên gia là cần thiết. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Tham vấn các bên liên quan về hợp tác Việt Nam-Hà Lan về chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL” được tổ chức ngày 2-12 tại TP. Cần Thơ, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, có đóng góp rất lớn cho đất nước”. Sản lượng lúa của vùng chiếm 56% cả nước, trái cây đóng góp 60%, tôm đóng góp 83% và cá tra là 98% sản lượng cả nước. “Điều đó cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của ĐBSCL đối với nền nông nghiệp Việt Nam”, ông nói.

Tuy đóng góp rất lớn, nhưng theo ông Thắng, phát triển nông nghiệp ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn đề thứ nhất, tăng trưởng của ngành đã giảm dần; thứ hai, thu nhập của người nông dân rất thấp; thứ ba, xảy ra bất ổn về mặt xã hội, di cư tự phát, ảnh hưởng đến môi trường...

Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân, bao gồm câu chuyện biến động thị trường; hoạt động ở thượng nguồn sông Mekong; hạ tầng vùng chưa được đầu tư nhiều; kết nối về mặt công nghiệp, nông nghiệp còn yếu; đầu tư của tư nhân thấp, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp...

“Xoay trục” nông nghiệp

Những thách thức nêu trên, ông Thắng nhận định, nó cũng là động lực để thay đổi, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. “Ví dụ, biến đổi khí hậu hay hoạt động ở thượng nguồn tạo ra thách thức rất lớn liên quan đến sụt lún, ngập, xâm nhập mặn, sạt lở, nước ngầm suy giảm hay thay đổi mùa vụ, dịch bệnh… Nhưng nó tạo ra cơ hội để chúng ta thúc đẩy chuyển đổi tái cơ cấu, “xoay trục” từ lúa gạo, trái cây, thủy sản sang thủy sản, trái cây, lúa gạo”, ông nói.

Mục tiêu chiến lược “xoay trục” phát triển nông nghiệp ĐBSCL được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra: thứ nhất, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái, chế biến nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản; thứ hai, cơ sở hạ tầng sẽ được quy hoạch phát triển đồng bộ theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; thứ ba, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý.

Từ những mục tiêu đó, đơn vị này đề nghị: thứ nhất, phát triển theo ba vùng của kế hoạch châu thổ ĐBSCL dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai, nhu cầu thị trường, tập trung xử lý các vấn đề nội tại và biến “nguy thành cơ” để phát triển; thứ hai, phát triển nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới trong hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; thứ ba, “xoay trục” chiến lược theo hướng thủy sản, trái cây và lúa gạo.

Với lúa gạo, sẽ xây dựng vùng sản xuất cố định an toàn và vùng có thể cho phép chuyển đổi linh hoạt, nhưng trên định hướng sẽ giảm diện tích và chuyển sang lúa chất lượng cao. Với trái cây, sẽ hướng đến tập trung chuyển đổi nâng cao chất lượng, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất bền vững, phát triển doanh nghiệp chế biến. Với thủy sản, sẽ tăng diện tích, chuyển đất lúa sang thủy sản ở một số vùng nước mặn, lợ, hỗ trợ phát triển hạ tầng...

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Hà Lan đã hỗ trợ rất nhiều cho ĐBSCL để phát triển nông nghiệp, trong đó đã đưa ra các kịch bản, bao gồm kịch bản hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, nâng cấp sản phẩm, không chỉ sản xuất mà cả chế biến, phân phối, làm thương hiệu, đóng gói để nâng cao giá trị.

“Khi xét trong bối cảnh mới về biến đổi khí hậu, nguồn lực, điều kiện hiện có của ĐBSCL, mọi người đồng thuận chọn kịch bản như nêu trên là hợp lý nhất trong 20-30 năm tới và trong Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng đã nói rất rõ điều này”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, Việt Nam và Hà Lan đã ký biên bản ghi nhớ về “hợp tác chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL”, nội dung chủ yếu là giúp cụ thể hóa câu chuyện Nghị quyết 120. “Giả sử chúng ta chọn kịch bản hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị hay phát triển thương mại hóa nông nghiệp thì phải cụ thể hóa. Trong đó, cần xác định cơ cấu tổ chức, quản lý và dựa vào đó sẽ có phương án kêu gọi các nhà tài trợ cũng như xác định trách nhiệm ai làm, nhà nước ra chính sách đến đâu, làm cơ sở hạ tầng ra sao…”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, chiến lược “xoay trục” nông nghiệp ĐBSCL như nêu trên chưa được thông qua, chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện. “Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng tôi mới trình Chính phủ thông qua”, ông cho biết.

Lưu ý nào cho cuộc chuyển đổi?

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, do một thời gian dài hạ tầng ĐBSCL được đầu tư chủ yếu phục vụ cho cây lúa nên nông dân muốn thay đổi sang sản xuất cây ăn trái hoặc nuôi tôm đều phải… tự phát. Chính vì vậy, ông cho rằng cần đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững trong mục tiêu chống chọi với biến đổi khí hậu và gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Chuyển đổi theo hướng giảm bớt lúa là cần thiết, nhưng thay thế cây lúa bằng cây, con gì, phải có sự tính toán một cách kỹ lưỡng. Ông cũng cho rằng trong quá trình thực hiện phải thu hút được sự tham gia của khối tư nhân vì điều này giúp chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn và giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản.

Nếu chính sách chậm thay đổi, trong khi người dân thay đổi quá nhanh sẽ dẫn đến việc “băm nát” ĐBSCL.

Ông Đặng Kiều Nhân
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp thì cần tạo cơ chế, chính sách thông thoáng và thuận lợi hơn. Bởi có tiền, nhiệt tình và muốn làm vẫn chưa chắc đã làm được.

“Ví dụ, tôi muốn tài trợ một chỗ gắn hệ thống quan trắc nước nhưng phải xin đủ loại giấy phép mới được”, ông nêu thực trạng và nhấn mạnh cần phải tháo gỡ khó khăn và tạo chính sách thông thoáng để tư nhân tham gia.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, cho biết việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở ĐBSCL rất khó khăn. “Trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt Nam - Hà Lan nên có chính sách cho vay theo chuỗi, để doanh nghiệp khi đầu tư phát triển các nhà máy chế biến hoặc đầu tư vào khâu hậu cần quan trọng, sẽ có điều kiện tiếp cận tài chính và sau đó người nông dân có thể vay theo chuỗi”, ông gợi ý.

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) từng tài trợ để nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát triển cho ĐBSCL trong những năm 2011-2012.

“Họ đã ra được báo cáo rất tốt, cho nên tôi nghĩ chúng ta cần ngồi lại, xem cái gì xài được để kết hợp với cái hiện nay nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện nhanh chóng hơn”, ông đề nghị và giải thích rằng vì trên thực tế đã có rất nhiều địa phương, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nông dân đã thay đổi rất nhiều.

Theo ông Nhân, nếu chính sách chậm thay đổi, trong khi người dân thay đổi quá nhanh sẽ dẫn đến việc “băm nát” ĐBSCL.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.