Trốn cách ly, vô trách nhiệm và nguy cơ lây lan
Trốn cách ly không chỉ là sự thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, mà còn là sự vô trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc trước dịch họa SARS-CoV-2.
Mới đây, thông tin từ UBND xã Kiêu Kỵ - huyện Gia Lâm - TP. Hà Nội, cho biết, đơn vị vừa yêu cầu cách ly tại nhà một nam thanh niên từ Hàn Quốc trở về nước.
Nam thanh niên lên mạng xã hội khoe không phải cách ly dù mới đi Hàn Quốc về. Ảnh: Nhịp sống Việt |
Theo đó, khi trở về nước, nam thanh niên này lên mạng xã hội khoe không phải cách ly dù vừa trở về từ Daegu (Hàn Quốc). Nam thanh niên này đăng tải trên trang cá nhân, khoe việc không bị cách ly khi từ Hàn Quốc. “Không bị cách ly dù ở tâm dịch Daegu trở về”, người này viết và còn vui đùa khiến nhiều người đọc được rất bức xúc.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền video một cô gái livetream khoe vừa trốn cách ly sau khi từ Daegu (Hàn Quốc) về Việt Nam. Cô còn hướng dẫn người khác về từ Hàn Quốc cách để qua mặt lực lượng chức năng cho khỏi bị cách ly. Trong đoạn video, cô gái hứa về tới Bình Dương sẽ tiếp tục livestream.
Cô gái livetream khoe vừa trốn cách ly sau khi từ Daegu (Hàn Quốc) về Việt Nam |
Đoạn livestream cô nói thế này: “Những người không thông minh là những người bị cách ly, những người thông minh như em có bị cách ly đâu. Phụ nữ phải sống bằng cái não, cái óc, mình phải biết cách nói như thế nào”.
Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán - Trung Quốc, hiện đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới, và Việt Nam vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Nên những câu chuyện về những người “trốn cách ly” khi từ vùng dịch trở về hoặc những người nghi nhiễm virus corona được cách ly nhưng trốn, khiến chính quyền địa phương “sốt vó”, những cư dân chung quanh cũng phập phồng không yên.
Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, người dân đồng lòng chống dịch. Mới đây, một lần nữa Thủ tướng nhắc lại “với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể với thái độ cương quyết… Dù tốn kém, vất vả cũng phải làm, chứ dễ dãi, đơn giản, thiếu ý chí trong việc này thì sẽ thất bại”.
Thế mà, giữa những nỗ lực không ngừng ấy, vẫn còn không ít cá nhân rất thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đáng phê phán hơn đó là thái độ thách thức cơ quan chức năng của những bạn trẻ luôn cố tỏ ra mình “không sợ trời, không sợ đất” hoặc tự hào về chiêu trò qua mặt bộ phận kiểm soát dịch bệnh. Nhưng cũng cho thấy “lỗ hổng kiểm dịch” của các cơ quan chức năng (Hải quan, Y tế…) khi để những đối tượng cần cách ly “xổng” ngay trước mắt mình.
Phải chăng, một bộ phận người trẻ đã hết biết sợ dù pháp luật về an ninh mạng thời gian qua đã siết chặt với những người lợi dụng không gian mạng tung tin giả, tin gây rối loạn an ninh trật tự? Phải chăng, đây là cách cư xử vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Điều 10, Nghị định 176/2013 cũng quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Song song, hành động “tự sướng”, khoe khoang khi trốn được các chốt kiểm soát dịch cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết của nhứng người này về dịch bệnh. Chính vì thiếu hiểu biết nên họ không lường trước được rằng, nếu chẳng may mình mang virus trong người nếu không thực hiện cách ly thì sẽ lây cho chính người thân trong gia đình đầu tiên, từ đó sẽ lây lan ra cộng đồng nơi mình sinh sống.
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn chia sẻ: “Việc cách ly là một hành động phòng chống dịch mạnh mẽ chưa từng có! Điều chúng ta cần ghi nhớ: Mỗi người có thể trở thành một “nhà máy” sản xuất mầm bệnh!”. Tức là, khi ý thức kém cộng với thiếu hiểu biết thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây nên hậu quả khó lường.
Rõ ràng, hành động trốn tránh cách ly, lại có thái độ thách thức pháp luật, gây hoang mang cho cộng đồng khi mà dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp là chuyện không thể chấp nhận được.
Đó không chỉ là sự thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, mà còn là sự vô trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc trước dịch họa. Qua đó, bản thân các cơ quan cũng nên nhìn nhận lại nghiêm túc trách nhiệm của mình khi để “xổng” đối tượng cần kiểm soát của mình.
(Theo enternews.vn)
.