Thứ Năm, 02/04/2020, 09:45 (GMT+7)
.

Đi tìm lời giải cho câu hỏi thịt lợn tăng giá do đâu?

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Bộ Công Thương vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.

Ảnh minh họa. Nguồn: tradeford.com
Ảnh minh họa. Nguồn: tradeford.com

Mặc dù theo quy định từ ngày 1-4 giá thịt lợn tại chuồng sẽ được giảm xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng thực tế thị trường giá bán ra vẫn tăng.

Chính vì vậy, nhiều câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Bộ Công Thương vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, theo Thông tư 09/2016 ngày 1-6-2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, Nghị định 66/2016/NĐ-CP đầu tư kinh doanh về bảo vệ kiểm dịch thực vật… các trung tâm lò giết mổ thuộc diện quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vì thế, việc đưa giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg cũng cần quy định rõ giá thịt lợn tại lò mổ là bao nhiêu bởi nếu không khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở giá cao.

Đại diện Bộ Công Thương cũng lý giải thêm rằng: Giá lợn hơi bán ra 70.000 đồng/kg nhưng phải cộng thêm tiền công vận chuyển từ 5.000 - 7.000 đồng và hao hụt lợn hơi về lò mổ khiến giá lại tiếp tục bị đẩy lên mà từ khâu thu gom và vận chuyển đến lò mổ đều không do Bộ Công Thương quản lý.

Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, rất khó để mua lợn hơi giá rẻ với số lượng lớn vì chỉ bán tượng trưng nhỏ giọt. Bởi, lợn xuất khỏi trang trại là có ngay các trung tâm thu mua lớn khiến giá lợn bị đẩy lên cao hơn rất nhiều dao động từ 75.000 - 90.000 đồng/kg rồi mới tới lò mổ và chợ dân sinh hoặc hệ thống siêu thị.

Do vậy, khâu lưu thông phân phối là khâu cuối cùng nên giá tăng rất ít chỉ từ 1.000 - 4.000 đồng/kg mà tăng chủ yếu từ trang trại tới lò mổ.

Bộ Công Thương cũng cho biết, mặc dù ngày 1-4 là ngày đầu tiên các doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi nhưng giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi bởi các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi.

Ngoài ra, do thực trạng chăn nuôi của Việt Nam còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên cả nước trong khi nguồn cung thịt lợn tại một số địa phương chưa hồi phục, còn thiếu.

Cùng với đó, một số thông tin chưa chính xác được lan truyền trên các mạng xã hội những ngày qua, nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân nên đã xuất hiện tình trạng mua tích trữ thực phẩm của người dân; trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Vì vậy, giá thịt lợn thành phẩm vẫn có xu hướng ổn định hoặc tăng cục bộ tại một số nơi. Tuy nhiên, trong hệ thống các siêu thị, giá tất cả các sản phẩm thịt lợn vẫn ổn định, không tăng giá

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, giá lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn duy trì ở mức cao căn bản là do nguồn cung giảm so với cùng kỳ các năm. Sản lượng thịt lợn quý I năm 2020 giảm 19,3% so với 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ 2018.

Qua theo dõi giá cả thị trường thịt lợn những năm qua, tỷ lệ giá thịt lợn thành phẩm và giá lợn hơi thường dao động trong khoảng 1,7-1,9 lần do giá lợn hơi vẫn ở mức cao nên giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường sẽ có mức cao tương đương. Biện pháp căn bản và lâu dài để ổn định thị trường thịt lợn là tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Vì vậy, việc tăng nguồn cung cần được thực hiện song song 2 nội dung gồm tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Cùng đó là nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đang và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và cụ thể nhằm góp phần ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời.

Hơn nữa, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh xã hội.

Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tìm kiếm thông tin và kết nối nguồn nhập khẩu thịt lợn với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn trong nước.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động nhập khẩu nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2019, tổng đàn trung bình giảm 11,3% so với năm 2018, tổng số lợn xuất chuồng giảm 20,1% so với 2018.

Riêng trong quý 1-2020, tổng lượng thịt lợn trong nước cung ứng ra thị trường giảm 21,8% so với cùng kỳ của năm 2019, tổng đàn lợn của cả nước hết tháng 2/2020 đạt 22,5 triệu con, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Khẳng định các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không tháo túng giá thịt lợn trên thị trường, đại diện Bộ Công Thương cho hay: Công ty CP C.P Việt Nam, số đầu lợn hơi chiếm 16,5% thị phần trên toàn quốc, số thịt lợn hơi xuất chuồng chiếm 19,71%; Dabaco chỉ chiếm 1,1% số đầu lợn, khối lượng thịt lợn xuất ra của các doanh nghiệp này chiếm 1,34% không nhiều. Vì thế, chưa có doanh nghiệp nào đạt trên 30% thị phần theo quy định về vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.

Chỉ có Công ty Cổ phần C.P tuy trên toàn quốc vẫn chiếm thị phần nhỏ nhưng tại khu vực miền Nam, doanh nghiệp này chiếm 56,38% về số đầu lợn.

Đặc biệt, để tránh nguồn thịt lợn chảy ra bên ngoài, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để buôn bán xuất lậu qua biên giới.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/di-tim-loi-giai-cho-cau-hoi-thit-lon-tang-gia-do-dau/631926.vnp)

.
.
.