.

Cần con người văn hóa để chấn hưng văn hóa

Cập nhật: 15:26, 15/06/2020 (GMT+7)

Cách đây 6 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33).

Nghị quyết đã đáp ứng mong mỏi của xã hội khi văn hóa được đặt đúng vai trò trong sự phát triển của đất nước với vị trí ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp nối quan điểm đúng đắn ấy, mới đây, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 76 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ảnh: tuyengiao.vn
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ảnh: tuyengiao.vn

Nhìn vào thực tiễn, thật phấn khởi khi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và đạt kết quả bước đầu. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có chuyển biến tích cực. Trong kế hoạch, chiến lược phát triển của Trung ương, địa phương đều đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm. Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người Việt Nam, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Càng phấn khởi hơn khi từ ánh sáng nghị quyết của Trung ương, yêu cầu xây dựng văn hóa không chỉ dừng lại ở mục tiêu “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), mà đã có tầm vóc mới khi văn hóa được hướng tới “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cùng với đánh giá thực chất những thành tựu, Trung ương cũng nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém sau thời gian thực hiện Nghị quyết 33. Trong đó đáng lưu tâm là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên, có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. Đó cũng là những nguyên nhân cho thấy, vì sao sau những năm thực hiện nghị quyết của Đảng, văn hóa vẫn chưa thực sự được chấn hưng. Đạo đức, lối sống xuống cấp vẫn đang là lo ngại hàng đầu trong đời sống xã hội hiện nay.

Rõ ràng, trong Nghị quyết 33, trên cơ sở nhận thức sâu sắc quan niệm về văn hóa và vai trò của văn hóa trong thời kỳ phát triển mới, Đảng đã hình thành mới hai quan điểm chỉ đạo, trong đó con người giữ vai trò trung tâm: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Như vậy, phải khẳng định, nghị quyết chỉ thực sự đi vào cuộc sống nếu mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới được hình thành-những người Việt Nam “phát triển toàn diện”, có “hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Phải xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Nói cách khác, cần có con người văn hóa để chấn hưng văn hóa, điều mà chúng ta chờ đợi được hiện thực hóa từ sự thay đổi nhận thức của mỗi người dân cùng những giải pháp quyết liệt của Trung ương được thực thi trong thực tiễn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.