Thứ Sáu, 07/08/2020, 20:41 (GMT+7)
.

Công nghệ và cuộc chiến với COVID-19

(ABO) Với số ca nhiễm COVID-19 tăng hằng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dư luận có thể lo lắng, nhưng tất cả đã nằm trong dự liệu của cơ quan phòng, chống dịch. Chúng ta đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý, việc còn lại góp phần quyết định hiệu quả chống dịch là ý thức tuân thủ những quy định về phòng, chống dịch từ người dân. Nếu chấp hành tốt mới hy vọng chiến thắng và ngược lại.
 
Rõ ràng trong cuộc chiến nhiều cam go với dịch bệnh, ý thức, trách nhiệm và sự đồng lòng của người dân có yếu tố quyết định. Thực hiện đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế, tỉnh táo trước những thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội, không hoang mang cũng không quá chủ quan là những gì người dân cần thực hiện trong lúc này. 
 
Đặc biệt trong các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh lần này, có yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Đây được ví như một chiếc 'khẩu trang điện tử'; bởi nó có thể giúp người sử dụng bảo vệ bản thân và cộng đồng.
 
Ứng dụng Bluezone được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện. Với tên gọi đầy đủ là "Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần", Bluezone có tính năng nổi bật nhất là cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, góp phần giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng. 
 
 
Rõ ràng, chưa bao giờ công nghệ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng dịch như hiện nay. Trước Bluezone, nhiều ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành, dự báo, kiểm soát dịch bệnh đã được các doanh nghiệp về công nghệ xây dựng, phát triển nhằm hỗ trợ cho cộng đồng.
 
Như trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel xây dựng gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa.
 
Nền tảng này giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám, chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần hạn chế người dân đến bệnh viện trong điều kiện giãn cách xã hội như hiện nay.
 
Ngoài ra, cộng đồng khởi nghiệp (startup) cũng chung tay triển khai nhiều ứng dụng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Điển hình như COVID-19 Check là dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Got It, một trong những startup giáo dục do anh Trần Việt Hùng sáng lập.

Theo khảo sát đến tháng 4-2020 từ Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện đã có hơn 45 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ, không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly, hay nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp. Hiện Văn phòng Đề án 844 tiếp tục tiếp thu các giải pháp từ startup và tiến hành kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ phù hợp.
 
Đặc biệt mới đây, tác giả của máy "ATM gạo" Hoàng Tuấn Anh đã cho ra mắt "ATM khẩu trang" tại TP. Hồ Chí Minh, một ý tưởng sáng tạo đầy thực tế và nhân văn, góp phần hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch trong cộng đồng.
 
Trước tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, bên cạnh ý thức trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay của người dân, những ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch do các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thật sự là một "điểm sáng". Nó không những minh chứng cho trí tuệ Việt Nam, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp tích cực: Đó là tất cả đều có thể, khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, nếu chúng ta biết bình tĩnh ứng phó, đồng lòng chung sức và phát huy tài trí của toàn xã hội.
 
Tin rằng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 cam go này, Việt Nam sẽ thành công.
 
D.S
 
 
.
.
.