.

Người tử tế!

Cập nhật: 21:06, 30/08/2020 (GMT+7)
 Suốt cả tuần qua, cư dân mạng lên cơn sốt với hình ảnh một quan chức rời chốn quan trường, tự cầm vô-lăng xe cứu thương với mục đích hỗ trợ miễn phí các bệnh nhân nghèo trở về nhà. Làm một người tử tế, dễ hay khó, thực ra vẫn là câu hỏi gây ám ảnh nhiều người trong xã hội hiện tại.
 
a
 Làm người tử tế, không khó, cũng không dễ (ảnh: baogiaothong.vn)
Căn bệnh tham quyền cố vị, vơ vét đến tận cùng, tư tưởng “hạ cánh an toàn” đã khiến không ít quan tham trả giá đắt khi bỏ cương, xuống ngựa. Nhưng cũng còn rất nhiều người khi còn đương chức đã dám đương đầu, dám va chạm vì cái chung, và cũng dám đánh mất cả hình ảnh trong suốt của một cán bộ mẫn cán. Họ "làm màu"? Hay đó là một một chiêu trò để cải thiện những gì đã đánh mất, đánh đổi trong quá khứ? Không, ván bài chỉ hạ khi thực sự quân tẩy cuối cùng được lật! Khi ấy, “ai công hầu, ai khanh tướng”, ai tử tế, ai bỏ chạy, ai chết còn hơn sống, mọi thứ sẽ phơi bày!
 
Người tử tế, không khó, mà cũng không dễ đâu. Một ca tai nạn đầy máu me cần trợ giúp, những tiếng la hét cướp giật, một con người ngã xuống lòng đường vì bạo bệnh, hay đơn giản chỉ là cái vẫy tay xin đi nhờ quá giang…
 
Bạn có thể làm vì lòng trắc ẩn, nhưng cũng có thể bị cười chê vì lo sự bao đồng. Lòng tốt và sự tử tế đôi khi không cần phải nói! Nhưng nếu không có những sự sẻ chia, đôi khi sự im lặng của người tốt sẽ đồng nghĩa với những bi kịch không đáng có.
 
Đó là sự xuất hiện quá nhiều của cái xấu, là những thông tin tràn ngập về những vụ đánh người vô cớ khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu, về những pha lừa đảo ngoạn mục khi chở nhờ người lạ trên đường, hay cả những hành vi trục lợi nhờ cái danh từ thiện. Đó là những điều có thật, những điều đã hiện hữu, và cũng đã khiến không ít lần cái tốt bị hoang mang giữa quả lắc thiện-tai.
 
Một chuyến xe miễn phí đưa người bệnh về nhà, nó đáng giá bao nhiêu? Chắc chắn không rẻ đối với những gia đình nghèo còn chạy ăn từng bữa. Nhưng nó là vô giá đối với những tấm lòng thực tâm thiện nguyện. Ai bắt họ phải làm việc đó? Không ai cả. Nhưng những gì nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không”? Sống là cho đi và lan tỏa điều ấy, thay vì giữ cho mình những thứ phù du.
 
Cuối năm 2011, vụ nổ bình ga tại phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã gây rúng động dư luận. Bên cạnh thảm cảnh của gia đình, người ta còn chứng kiến sự trợ giúp vô điều kiện của bà con hàng xóm, láng giềng khi lực lượng cứu hộ chưa xuất hiện.
 
Bất chấp hiểm nguy, bất chấp gian khó, từng bàn tay không đã cố gắng gỡ từng viên gạch để cứu các cháu bé còn kẹt lại bên trong căn nhà đổ nát. Năm 2010, những dân chài đã bất chấp hiểm nguy buộc dây vào thân mình đi cứu từng nạn nhân trong vụ chìm xe khách tại Hà Tĩnh. Cảnh sát giao thông cứu người tự vẫn, hay sinh viên học sinh quên mình cứu bạn dưới dòng nước dữ…
 
Còn rất, rất nhiều hình ảnh, tấm gương nữa đã được báo chí phản ánh. Nhưng lòng trắc ẩn và sự tử tế vẫn cần nhiều hơn thế! Nhiệm vụ của báo chí và truyền thông vẫn cần hoạt động tích cực nhiều hơn thế. Để những chuyến xe thiện nguyện miễn phí, những tấm gương quên mình, những tấm lòng cao cả, phải được xuất hiện nhiều hơn trên tấm phông đã quá nhiều màu sắc ảm đạm của công nghệ câu like, làm màu trên nền tảng công nghệ số.
 
Làm người tử tế, trước hết là một công dân tốt, có ích cho xã hội. Nhưng người tử tế cũng không đồng nghĩa với sự vô cảm, bàng quan, thậm chí thỏa hiệp trước cái xấu. Ngày mai, luôn bắt đầu từ ngày hôm nay, từ những điều nhỏ nhoi thôi, để ta luôn nhớ, điều tử tế luôn xuất hiện mỗi ngày…/.
 
(Theo dangcongsan.vn)
 
.
.
.