Thứ Bảy, 24/10/2020, 17:39 (GMT+7)
.

Kiên quyết xử lý các video xấu độc trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo nhiều người hiếu kỳ vào xem để thu lợi nhuận. Nguy hiểm hơn, lợi dụng sự tự do của mạng xã hội, những clip có nội dung xuyên tạc, chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam, bịa đặt, vu khống cá nhân, tổ chức... xuất hiện khá nhiều, bất chấp sự phẫn nộ, lên án của dư luận cũng như cảnh báo và các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng…

Mới đây, ngày 6-10-2020, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp  các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy việc kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng xã hội cần những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng.

Theo dõi vấn đề có thể thấy rõ thời gian qua, tình trạng người sử dụng mạng xã hội tự sản xuất các video để đăng tải trên trang cá nhân nhằm câu view (lượt xem), like (yêu thích), từ đó thu về các khoản lợi nhuận từ quảng cáo đang trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi như YouTube, Facebook, Twitter...

Một số người còn xác định đây là công việc kiếm sống chính của bản thân. Tuy nhiên bên cạnh các video, clip được đầu tư công phu, chứa đựng nội dung lành mạnh, bổ ích lại đang xuất hiện ngày càng nhiều video mang nội dung xấu độc, nhảm nhí, giật gân, chủ yếu để câu khách, gây bức xúc trong dư luận. Như ngày 3-10-2020 vừa qua, trên YouTube xuất hiện một video của người có tên là Nguyễn Văn Hưng (chủ kênh YouTube Hưng Vlog) với nội dung dạy cách đập heo đất để ăn trộm tiền rất phản giáo dục, ảnh hưởng xấu tới nhận thức của trẻ em khiến nhiều người không khỏi bức xúc, phẫn nộ.

Trước làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng, Hưng Vlog đã phải gỡ bỏ video có nội dung độc hại này. Ðược biết trước đó, Nguyễn Văn Hưng từng bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng tải video hết sức phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam là nấu cháo một con gà còn để nguyên lông.

Ðể thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của người xem, Nguyễn Văn Hưng thường xuyên đưa lên tài khoản YouTube của mình những video có nội dung vô bổ và nhảm nhí như “chơi khăm” mẹ (Bà Tân Vlog) bằng cách dùng nước ngọt nấu cơm cho cả nhà ăn hay thử thách nhảy xuống hố cát sâu đến ngực, “cúng vong” cho hai đứa em ngoan hiền...

Khảo sát trên các kênh mạng xã hội rất dễ tìm thấy những video mang nội dung độc hại, nhảm nhí tương tự như của Hưng Vlog. Chẳng hạn, kênh NTN Vlogs đầy rẫy những nội dung không lành mạnh. Chủ tài khoản là Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1984 đã từng bị cơ quan chức năng triệu tập vì đưa lên mạng video có nội dung “đóng giả khủng bố IS để quăng bom”. Một kênh khác cũng thu hút hàng triệu người theo dõi là Prank HD thường xuyên chia sẻ các nội dung giật gân như “hút thuốc lá bằng mũi”, “24h sống trong quan tài”...

Ngoài ra có thể kể tên hàng loạt các kênh có nội dung phản cảm, thậm chí rẻ tiền, nhảm nhí như Bà Tân Vlog (chuyên nấu các món siêu khổng lồ với cách chế biến sơ sài, mất vệ sinh); Tam Mao TV (thường xuyên đưa nội dung ăn uống mất vệ sinh); Thanh Lương Vlog, Huỳnh Tấn Trường official hay PHD Troll (đưa ra thử thách nguy hại, ảnh hưởng không tốt tới người xem)...

Ðiều đáng nói, các video có nội dung  lố lăng, phản cảm như vậy, đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số vì chủ nhân của những tài khoản này  thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình “xé rào” quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem. Bởi nếu thu hút được càng nhiều người quan tâm họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền từ quảng cáo.

Theo quy định của YouTube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng. Kênh Hưng Vlog với ba triệu người theo dõi có thể thu về số tiền ít nhất khoảng 350 triệu đồng mỗi tháng (theo ước tính của SocialBlade - chuyên trang thống kê độc lập về các nền tảng mạng xã hội và YouTube). Ðiều này phần nào lý giải dù bị cộng đồng phản ứng, bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt, nhiều chủ kênh vẫn tiếp tục sản xuất, công bố các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy…

Ðặc biệt thời điểm hiện nay, khi các địa phương, ban, ngành đang sôi nổi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và hướng tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, cũng là lúc các tổ chức, cá nhân thù địch phản động, thiếu thiện chí ra sức lợi dụng các đặc tính của  nền tảng số tung ra các video clip với nội dung tuyên truyền, chống phá Ðảng và Nhà nước, chia rẽ Ðảng và Nhà nước với nhân dân. Những video này chứa đựng nhiều thông tin  bịa đặt, sai lệch, xuyên tạc đường lối của Ðảng, chủ trương và chính sách của Nhà nước; phủ nhận các thành tựu mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực đạt được; nói xấu, xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự cá nhân, công kích, hạ uy tín các lãnh đạo cấp cao; kích động người dân xuống đường biểu tình…

Mục đích của những người làm ra các video đó là  phát tán các thông tin xấu độc nhằm lợi dụng việc thiếu thông tin hoặc cả tin, kém hiểu biết của một số người xem, qua đó tác động để làm mất lòng tin của nhân dân vào Ðảng và Nhà nước, chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội, mưu đồ tiến tới xóa bỏ vai trò tổ chức, lãnh đạo của Ðảng với sự phát triển của Việt Nam, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần khẩn trương có biện pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm phản bác, đấu tranh, xử lý ngăn chặn kịp thời những nguy cơ, tác động xấu độc về mặt xã hội cũng như các âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động.

Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như người sử dụng mạng xã hội. Theo số liệu YouTube cung cấp, Việt Nam là một trong những quốc gia phát tán nhiều nội dung xấu độc hơn so với các thị trường khác.

Thời gian qua, theo yêu cầu của Việt Nam, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 8-2019 Facebook đã gỡ 70% thông tin xấu độc, Google gỡ và chặn 7.478 video clip vi phạm trên YouTube, xóa 18 kênh YouTube. Riêng trong quý II-2020 có tới hơn 222.000 video đã bị gỡ bỏ.

Mặc dù vậy, số video có nội dung phản cảm, nhảm nhí vẫn tiếp tục gia tăng. Ðiều này cho thấy chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cũng như các chế tài đủ mạnh khiến những nhà sản xuất video clip xấu độc trên nền tảng số phải biết “chùn tay”, e ngại. Ðối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng, việc bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) không phải là mối bận tâm lớn khi mà thực tế họ có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng từ tiền quảng cáo. Một số chủ tài khoản sẵn sàng chịu án phạt để rồi tiếp tục đưa các nội dung thiếu lành mạnh lên mạng nhằm trục lợi.

Ở góc độ xử lý hình sự, thì hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 1 năm đến 3 năm (khoản 2, điểm e, Ðiều 156, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017). Tuy nhiên, nhiều tài khoản trên mạng xã hội hiện nay là khai báo giả mạo, vì thế việc truy tìm đối tượng phạm tội cũng đặt ra không ít khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Thực trạng trên đang đòi hỏi cùng với sự vào cuộc kiên quyết của  toàn xã hội và các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các nội dung xấu độc trên không gian mạng, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Hãy trở thành cư dân mạng thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích, đồng thời kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại. Sở dĩ video nhảm nhí vẫn tồn tại, có đất sống trên mạng xã hội và mang về tiền bạc cho chủ kênh bởi còn có nhiều cư dân mạng vô tình hoặc cố ý tiếp tay bằng cách nhấn like, nhấn nút theo dõi.

Một trong những cách làm đơn giản hiệu quả nhất của người xem trên mạng là khi thấy một nội dung xấu độc hãy bấm nút report (nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube). Nếu nhiều người cùng bấm nút report, kiên quyết không theo dõi trang vẫn thường xuyên chia sẻ nội dung thiếu lành mạnh, sẽ tạo ra làn sóng phản đối và chắc chắn các nội dung đó sẽ sớm biến mất. Sử dụng sức mạnh cộng đồng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để loại bỏ khỏi môi trường mạng những video, tài khoản mạng sản xuất, lan truyền thông tin, nội dung  nhảm nhí độc hại.

Ðồng thời cũng là sự trả lời, cảnh cáo đích đáng tới các cá nhân cố tình trục lợi, kiếm tiền bất chính bằng việc sản xuất, chia sẻ các nội dung phản văn hóa, phản giáo dục, đi ngược các giá trị tốt đẹp của cộng đồng, xã hội. Ðã đến lúc những người tham gia mạng xã hội với trách nhiệm công dân và xã hội của mình cần đánh giá nghiêm túc, khách quan, sâu rộng về tác hại của các nội dung nhảm nhí từ các video trên mạng ảnh hưởng đến văn hóa sống, thói quen, tư duy, đạo đức cũng như sự an toàn, trật tự xã hội. Sẽ ra sao nếu môi trường mạng ngập tràn những nội dung tiêu cực, vô bổ, phản cảm?

Sẽ ra sao nếu các nội dung được xem là độc hại vẫn có thể đem lại tiền bạc cho người đã sản xuất và công bố? Nếu không giải quyết triệt để, nhiều người, nhất là giới trẻ, sẽ nhìn vào đó ngỡ rằng đó là cách thức để tìm kiếm sự nổi tiếng, và kiếm tiền làm giàu. Nếu không ngăn chặn, nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ bị tác động, bị làm cho méo mó, sai lệch, vô cùng nguy hại.

Không thể phủ nhận là ngày nay mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa quan trọng giúp mọi người trong xã hội có cơ hội tiếp cận với thông tin, tri thức và trao đổi, tham khảo, giao lưu,… từ đó mang lại rất nhiều ích lợi cho cuộc sống. Nhưng việc quản lý cũng như tiếp nhận thông tin trên mạng như thế nào đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước và mỗi người dân.

Do đó, để loại bỏ một cách hiệu quả các  thông tin, nội dung xấu độc,  gây hại trên mạng xã hội rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt và đồng bộ  hơn của toàn xã hội.

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể góp phần xây dựng và bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, thiết thực  bảo vệ và ngăn chặn những nguy cơ đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những đối tượng dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng từ những nội dung độc hại. Hành động quyết liệt để loại bỏ nội dung tiêu cực trên các nền tảng mạng chính là để bảo vệ giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
.