Chủ Nhật, 08/11/2020, 16:09 (GMT+7)
.

Chọn nghề giáo thì phải kiềm chế

(ABO) Trong tháng 11 này có Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Từ lâu Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội nói chung và các thế hệ học trò nói riêng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thầy cô giáo, nhằm thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc.

Vì thế, trong những ngày tháng 11 này, lẽ ra phải dành để xã hội nói chung và các thế hệ học trò nói riêng hướng về thầy cô giáo với lòng tôn kính và tri ân sâu sắc công lao dạy dỗ của thầy cô; thế nhưng, thông tin về cô giáo lớp mầm ở Trường Mẫu giáo Họa Mi (phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) do nóng lòng cho bé ăn nhanh, đã thiếu kiềm chế, bế bé lên và gác chân phải của bé lên cổ, khiến bé bị gãy chân tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, khiến mọi người bàng hoàng.

a
Do nóng lòng cho bé ăn nhanh, cô giáo đã bế bé lên và gác chân phải của bé lên cổ, khiến bé bị gãy chân. Ảnh: vtc.vn

Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày đầu tháng 11 này, dư luận còn ngỡ ngàng, phẫn nộ khi đọc các thông tin về trường hợp một thầy giáo 27 tuổi, quê Đồng Nai, hiện đang công tác ở TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã xâm hại tình dục một học sinh 12 tuổi cùng trường. Vụ việc được phanh phui khi người mẹ của bé gái vô tình kiểm tra điện thoại của con, phát hiện đoạn clip nóng do thầy giáo quay lại và gửi cho nữ sinh này qua Zalo.

Ai cũng hiểu nghề giáo phải chịu rất nhiều áp lực, căng thẳng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Và giáo viên cũng là một con người, vì vậy thầy cô giáo cũng “có quyền” được có đầy đủ các cung bậc cảm xúc như bao người khác, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, dù bất kỳ lý do gì thì việc tát, quát mắng, đánh đập… học sinh đều không thể chấp nhận. Việc giáo viên gác chân bé lên cổ, khiến bé bị gãy chân càng không thể chấp nhận. Và việc thầy giáo không kiềm chế cảm xúc, để thú tính trỗi dậy lấn át mọi lý trí, tình cảm, đạo đức…, từ đó xâm hại tình dục học trò ở tuổi vị thành niên là điều không thể dung thứ.

Còn nhớ cách đây 28 năm, khi chúng tôi còn học dưới mái trường Trung học Sư phạm Tiền Giang (nay là Trường Đại học Tiền Giang), bài học đầu tiên mà thầy cô ở Trường Trung học Sư phạm dạy và luôn nhắc nhở chúng tôi là: Khi trở thành thầy cô giáo, trước khi bước vào lớp thì mọi ưu phiền, bực tức, nóng giận… đều phải gác lại bên ngoài cửa lớp. Học sinh không có tội, đừng trút những ưu phiền, ẩn ức của mình lên các em. Đã chọn nghề giáo thì dù nóng giận đến đâu cũng phải biết kiềm chế, phải làm chủ cảm xúc của mình.

Điều đáng buồn là, những trường hợp gây thương tích cho học sinh, hay xâm hại tình dục học trò được phát hiện trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua không còn là hiện tượng hiếm hoi, cá biệt trong thời gian qua.

Những sự việc đau lòng trái với thuần phong mỹ tục, trái đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp… như thế được phát giác trong những ngày đầu tháng 11 này đã khảy lên một nốt trầm buồn, khiến cho những ngày tháng 11 lẽ ra phải dành cho sự hân hoan với lòng tri ân, tôn kính hướng về thầy cô giáo, đã trở nên day dứt hơn bao giờ hết…

THIÊN LÊ  

 

.
.
.