Chủ Nhật, 15/11/2020, 20:50 (GMT+7)
.

Định vị tiềm năng, nhận diện thách thức để bứt phá vươn lên

(ABO) Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần hai trung tâm đô thị lớn; Tiền Giang có những lợi thế nhất định khi tiếp cận với thị trường TP Hồ Chí Minh, là trung tâm hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế này cũng chính là thách thức không nhỏ cho Tiền Giang trong quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng như hiện nay, cũng như thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế xã hội trong chặng đường tiếp theo.

a
Vùng nguyên liệu nông sản là một lợi thế của Tiền Giang. Ảnh: DS

1- Trước hết nhận định về lợi thế thì rõ ràng Tiền Giang có nhiều lợi thế; trong đó giao thông chính là lợi thế đầu tiên, khi trên địa bàn có các tuyến quốc lộ (QL) quan trọng đi qua như QL50, QL60, QL30, sông Tiền, sông Vàm Cỏ..đặc biệt là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Tất cả đã và sẽ tương tác tạo thêm sức mạnh trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch giữa Tiền Giang với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặt khác Tiền Giang ở gần đường hàng hải quốc tế (cách Vũng Tàu 40km); có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực bắc đồng bằng sông Cửu Long về giao thương vận tải biển với cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Kế đến, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất nước, với điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển toàn diện; đây cũng một lợi thế không nhỏ của Tiền Giang.

Mặt khác, với điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau và có ưu thế về hệ thống sông rạch, có bờ biển dài 32km với nhiều di tích lịch sử, văn hóa… chính là lợi thế cho Tiền Giang trong phát triển nền công nghiệp không khói.

a
Và 32km bờ biển cũng là lợi thế không nhỏ (biển Tân Thành - Gò Công Đông). Ảnh: DS

Tiền Giang còn có nguồn lao động dồi dào với trên 1 triệu lao động trong độ tuổi, sẽ là lợi thế về nguồn nhân lực. Ngoài ra, nhiều trung tâm nghiên cứu, đào tạo của trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn, sẽ là điểm nhấn cho tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

2- Cơ hội, tiềm năng thì nhiều, song thách thức cũng không hề ít. Tại các cuộc hội thảo về cơ hội phát triển của ĐBSCL, các chuyên gia đều nhận xét, xuất phát điểm của nền kinh tế Tiền Giang cũng như các tỉnh trong khu vực là còn thấp và lạc hậu, năng suất lao động và trình độ công nghệ chưa cao, sức cạnh tranh kém, khả năng thu hút nguồn vốn kể cả trong nước và nước ngoài đều hạn chế.

a
Tiền Giang có nguồn lao động với tay nghề cao. Ảnh: DS

Tốc độ tăng trưởng của Tiền Giang những năm gần đây đạt khá cao, nhưng còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng cho nền sản xuất hàng hóa và phát triển dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh của cơ chế thị trường và cũng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường đầu tư, thì Tiền Giang còn có 3 điểm cần khắc phục. Đó là mật độ dân số đông (đứng nhóm đầu của khu vực ĐBSCL), mức gia tăng dân số hàng năm khá lớn là sức ép đối với nền kinh tế của tỉnh về khả năng tạo việc làm cho người lao động và khả năng tích lũy tái đầu tư cũng bị hạn chế. Các dịch vụ hỗ trợ, thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt chưa có quỹ đất sạch nên chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư...

Ngoài ra, những lợi thế về mặt địa lý là nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ cũng chính là thách thức không nhỏ cho Tiền Giang nếu không biết tận dụng thời cơ và chậm khai thác.

a
Cây ăn trái cũng là một thế mạnh của Tiền Giang, khi tỉnh được mệnh danh là "Vương quốc trái cây". Ảnh: DS

Theo các chuyên gia kinh tế, Tiền Giang là tỉnh nông nghiệp, với những vùng nguyên liệu đa dạng của ĐBSCL, lâu nay cũng có lợi thế trong chăn nuôi, cây ăn trái nên cần tính toán lại, nhanh chóng có kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết tạo ra chuỗi giá trị cao.

Tăng cường xuất khẩu để tạo ra thêm việc làm, thu nhập; tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút FDI nhằm tạo ra giá trị gia tăng và việc làm; tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ cao, để tăng giá trị cạnh tranh cùa các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Tiền Giang.

Những năm qua, Tiền Giang đã có định hướng phát triển theo nhận định của các chuyên gia; chúng ta đang tái cơ cấu lại nông nghiệp, đã tích cực cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, và đã đạt những kết quả khả quan trong phát triển doanh nghiệp; nhiều nhà đầu tư lớn đã triển khai dự án hoặc "định vị" dự án tại Tiền Giang.

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp, du lịch và khai thác lợi thế của các vùng kinh tế trong tỉnh. Tiền Giang cũng đã nhiều nỗ lực trong đầu tư hạ tầng giao thông, liên kết các vùng trong tỉnh, tạo nền tảng cho những định hướng phát triển những năm tiếp theo.

Và trên tinh thần đó, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần XI nhiệm kỳ 2020-2025 (Đại hội XI), Tỉnh ủy Tiền Giang đã đề ra 3 khâu đột phá: Đó là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào  khâu  sản  xuất - chế biến - tiêu  thụ trái  cây. Khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp; tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng Trung tâm.

Thứ hai là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long,... trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc -Nam, Đông -Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

Và thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Qua 3 khâu đột phá trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội XI, rõ ràng Tiền Giang đã có những đánh giá sâu sát về tiềm năng, lợi thế, nhận diện rõ những hạn chế, thách thức trong xu thế hội nhập. Trên tinh thần đó, hoàn toàn có thể tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang sẽ phát huy thành tựu của các nhiệm kỳ qua, tiếp tục đưa Tiền Giang bứt phá vươn lên thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025.

D.S

                                                                                             




 

.
.
.