Phạt hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia: Đừng để lờn luật
Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11. Trong nội dung nghị định này có các quy định cụ thể với mức phạt rất nặng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu bia. Việc tăng cường các biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn tác hại của rượu bia là cần thiết, nhưng cũng có không ít ý kiến hoài nghi về tính khả thi của các quy định trên.
Các bác sĩ BV Nhân dân 115 điều trị tích cực nạn nhân bị tai nạn giao thông do rượu bia. |
Hiểm họa ma men
Ở khu tiếp nhận bệnh của Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân 115, TPHCM, dù đã khuya nhưng vẫn đông bệnh nhân, chủ yếu liên quan đến tai nạn. Nằm bất động trên băng ca, anh N.V.T. bê bết máu, mê man với hơi thở nồng nặc mùi rượu. Ông H. nằm kế bên anh T. cho biết, sau khi tan ca, ông ghé quán vỉa hè trên đường Võ Văn Kiệt lai rai vài ly. Tàn cuộc vui khi trời đã khuya, trên đường về, ông va quẹt một xe máy khác, ngã đập mặt xuống đường, vỡ gò má, phải phẫu thuật xếp lại xương.
Hầu như ngày nào, khoa cấp cứu cũng phải tiếp nhận vài ca tai nạn giao thông như ông H. và đều chung nguyên nhân lạm dụng rượu bia, hoặc thách đố, ép nhau uống trong các cuộc nhậu. Đáng lo hơn khi nhiều người bị chấn thương rất nặng, thậm chí tử vong. Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận 30-35 ca bị tai nạn giao thông và 15%-20% số đó do rượu bia.
Tình trạng lạm dụng rượu bia không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân mà còn đe dọa cộng đồng. Hàng năm, cả nước có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan rượu bia. Đáng lo nhất, phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Cục Y tế dự phòng còn chỉ rõ, rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh và chấn thương.
Băn khoăn tính khả thi
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng lạm dụng rượu bia đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15-11, với các mức phạt rất nặng nhằm phòng chống tác hại của rượu bia. Một nội dung nhận được nhiều sự chú ý trong Nghị định 117 chính là mức chế tài, xử phạt 1-3 triệu đồng đối với các hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu bia. Nghị định 117 cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tác hại của rượu, bia, với mức phạt tiền 3-5 triệu đồng, nếu không thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức.
Đánh giá về các quy định của Nghị định 117, nhiều nhà quản lý cho rằng, đây là hành lang pháp lý quan trọng trong bối cảnh người sử dụng rượu bia ở nước ta ngày càng nhiều và không ít người phải tham gia các cuộc nhậu chỉ vì được rủ rê, lôi kéo, kích động, thậm chí bị ép buộc. Hơn nữa, mức phạt rất nặng và cụ thể đối với từng hành vi vi phạm sẽ góp phần hạn chế việc sa đà nhậu nhẹt, ảnh hưởng sức khỏe bản thân và gây rối an ninh trật tự. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nhấn mạnh, những quy định mới trong Nghị định 117 sẽ góp phần kiểm soát việc sử dụng rượu bia tràn lan hiện nay.
Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của các quy định trên khi triển khai vào đời sống. Bởi lẽ, trong thực tế cũng có nhiều quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan tới sức khỏe, như việc cấm hút thuốc nơi công cộng, nhưng số người bị xử phạt vẫn rất ít.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ, Nghị định 117 đã cụ thể hóa các quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia bằng những mức xử phạt cụ thể cho các hành vi vi phạm, nhưng việc xử phạt không đơn giản, vì đây là việc rất tế nhị. Với hành vi uống rượu bia rồi lái xe, việc xử phạt được thực hiện hiệu quả vì chỉ cần đo nồng độ cồn của người lái xe là chứng minh được.
Thế nhưng, với hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, sẽ khó có những tiêu chí cụ thể để làm cơ sở xử lý vi phạm. Một số luật sư cho rằng, cần cụ thể hóa thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc uống rượu bia, từ đó mới có căn cứ xử lý hành vi vi phạm, tránh tình trạng quy định chỉ tồn tại trên giấy. Hơn nữa, cần quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị và chủ thể nào sẽ đứng ra xử lý vi phạm để đảm bảo quy định pháp luật mới được thực thi nghiêm chỉnh, không dễ lờn.
(Theo www.sggp.org.vn)