Thế giới ảo, tổn thương thật
Trong những bài viết trước đây, Báo SGGP đã đề cập đến anti fan với hành vi không đẹp của những hội nhóm nói xấu người khác trên mạng xã hội. Vẫn là một câu chuyện cũ nhưng bài học thì luôn mới cho những tổn thương của người trong cuộc, đó chính là việc “ném đá” một cách vô tội vạ của nhiều người mang danh cộng đồng mạng.
Thí sinh bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp dễ trở thành tâm điểm trên mạng xã hội của các “thánh soi”, “thánh phán” |
Khi chủ nhân vương miện Hoa hậu Việt Nam 2020 được xướng tên, cũng là lúc trang cá nhân của cô trở thành tâm điểm của các “thánh soi”. Hàng loạt bài viết, bình luận từ chỉ trích đến “ném đá” bắt đầu diễn ra sôi nổi. Từ những hình ảnh cấp 1, cấp 2 đến các bình luận tếu táo với bạn bè của cô gái 19 tuổi được chụp lại, cắt ghép và trở thành tâm điểm cho những cuộc “ném đá”. Hàng loạt bình luận chỉ trích, thậm chí không ít tài khoản buông lời miệt thị, xúc phạm vì những dòng viết vui với bạn bè của cô gái trẻ…
Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, chỉ cần ai đó vừa bước ra từ một cuộc thi có tiếng thì coi như phải ngầm chịu những tổn thương của các “thánh soi”, “thánh phán”… Trước câu chuyện hoa hậu Việt Nam không lâu, màn ăn mừng chiến thắng của cô gái 17 tuổi, quán quân một cuộc thi kiến thức, cũng trở thành tâm điểm cho các cuộc “ném đá” online. Chiến thắng của cô gái 17 tuổi, lẽ ra cần một lời khen hay chúc tụng, thì lại được cắt ghép và so sánh với hình ảnh một giang hồ mạng xã hội. Tài khoản này chia sẻ, tài khoản kia bình luận và kéo theo hàng trăm ngàn bình luận khác trong các hội nhóm đang “hot”… Vậy là trong chiến thắng đầu đời của cô gái trẻ, có lẽ đã đi kèm những tổn thương từ mạng xã hội.
Không cần quen biết, hay đã tiếp xúc ngoài đời với người bị ném đá chưa, chỉ cần thấy không ưa, nhìn không được mắt, hay được dẫn dắt bởi bài viết bóc phốt từ một ai đó không rõ ràng…, lập tức có ngay một đám đông nhảy bổ vào “ném đá” bằng việc bình luận, chỉ trích, chửi bới, chế ảnh rồi chia sẻ vào các hội nhóm như thể một trào lưu đang “hot” trên mạng xã hội.
Sau những cuộc “ném đá” online là gì, câu trả lời chắc chắn là những tổn thương cho người trong cuộc. Mạng xã hội - một nền tảng đa chiều, không giới hạn, một người có thể sở hữu vài tài khoản cá nhân, những cuộc “ném đá” sẽ dịch chuyển từ người này sang người khác… Và khi không còn hứng thú nữa, người ta xóa tài khoản, coi như phủi sạch nhưng tổn thương gây ra cho người trong cuộc. Không ít tài khoản người nổi tiếng, hay một số bạn trẻ đã phải tạm khóa trước những trận “ném đá” vô tội vạ của các cư dân mạng.
Bạn trẻ T.T.A. (20 tuổi, ngụ quân Tân Phú, sở hữu nick name T.A. trong một nhóm “ném đá” trên mạng xã hội) thản nhiên kể: “Tham gia vào mấy nhóm này tếu lắm, nhiều đứa chửi cũng thấy tếu nữa, có tin gì hot là mình biết liền vì tụi nó chế ảnh, chế clip rồi up lên liên tục. Bữa nào thấy up ảnh ai lên là biết người đó đang có chuyện hot. Vì chửi trong nhóm chứ không chửi ở trang cá nhân, nên cũng không có gì phải ngại, như trào lưu thôi, mấy bữa là qua chủ đề khác. Đứa nào xui lắm mới bị tụi nó làm bay màu tài khoản”.
Tuổi trẻ nông nổi, nên người ta dễ bị lôi kéo vào những đám đông mà nhiều bạn trẻ cho rằng nó như trào lưu và không theo kịp là “lỗi thời”. Nhàn rỗi đến mức xấu xí, phải chăng là “căn bệnh thời đại” của một bộ phận người trẻ hiện nay.
Theo sggp.org.vn