Gánh hai chữ "ổn định" không hề nhẹ
Giữ ổn định sẽ tạo nền tảng quan trọng cho phát triển. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực không ngừng để gánh hai chữ “ổn định” khi mà nhiệm vụ hằng ngày càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới.
Chiều 22/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Cục Quân y, Bộ Quốc phòng để chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân để kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có các điểm cầu được sử dụng làm khu cách ly. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Nhìn lại đoạn đường đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, “có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua”.
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, dịch bệnh đã gây ra khủng hoảng y tế, từ khủng hoảng y tế dẫn tới khủng hoảng kinh tế và nghiêm trọng hơn là khủng hoảng xã hội do nạn thất nghiệp, mất việc tràn lan, đời sống người dân lâm vào cùng quẫn. Với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá, bảo vệ sinh kế cho người dân, giữ ổn định xã hội.
Nhiều khi không phải chỉ gánh hai chữ “ổn định” đi trên con đường bằng phẳng mà có lúc như đi trên dây. Hàng thập kỷ qua, GDP được xem là một thước đo cho năng lực điều hành của Chính phủ, nhưng cả hai lần tính toán tổn thất do Formosa và COVID-19 gây ra, Chính phủ đều không một phút giây nào lưỡng lự trong giải bài toán “đánh đổi hay không đánh đổi”, đồng thời, không lùi bước trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Chống “giặc” COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không đánh đổi sức khỏe người dân, chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Bốn năm trước, Thủ tướng cũng khẳng định, không đánh đổi môi trường sống của người dân lấy tăng trưởng kinh tế, nếu còn tái diễn vi phạm, kiên quyết đóng cửa Formosa.
Thử thách chồng thử thách, nỗi lo chồng nỗi lo thì quyết tâm thêm quyết tâm, nỗ lực càng nỗ lực. Không để đất nước bước lùi vì dịch bệnh, Chính phủ duy trì tối đa sự cân bằng trong chỉ đạo điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm trạng thái bình thường mới không bị phá vỡ. “Mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, được nhắc đến thường nhật, có trong mọi giải pháp, mọi hành động của Chính phủ.
Song song với phát triển đất nước, nhiệm vụ to lớn là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới. Tuy hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình chính trị-an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang, khủng bố, những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Ngay ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng diễn ra những thay đổi rất phức tạp, liên quan tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn.
Năm 2020, chúng ta đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Có thể nói, đến nay, chúng ta đảm trách thành công nhiệm vụ này, nâng cao vị thế đất nước, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển.
Tham dự, phát biểu tại các sự kiện quốc tế lớn trong năm 2020 theo hình thức trực tuyến như Hội nghị G7, G20, APEC…, Thủ tướng đều mang đến thông điệp: Hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và bao trùm. Điều này chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì thông qua hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau.
Tổng kết một Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất, Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với các thách thức và cơ hội đan xen, nhất là sự bùng phát, tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Một số báo lớn quốc tế có nhận định: Năm 2020 là một trong những năm tồi tệ nhất với tất cả người dân đang sống trên Trái đất này.
Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, do đó cũng đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra: Số lượng các Hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với COVID-19, Cấp cao ASEAN lần đầu tiên họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ, nhiều Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến; và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.
Chúng ta đã không chỉ khéo léo, linh hoạt dẫn dắt, điều hòa những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết, đồng thuận của Hiệp hội, mà còn xử lý hài hòa, hiệu quả bất đồng giữa các đối tác, qua đó tất cả các hội nghị trong năm diễn ra suôn sẻ, thành công. Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà còn trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Cùng với những điều chỉnh chiến lược đúng đắn trong quản lý kinh tế tạo ra thành tựu lớn, Chính phủ cũng có quyết sách đúng đắn, sáng suốt, nhất là trong những thời điểm quyết định, có tính bước ngoặt để giữ ổn định tình hình, nhất là giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76 diễn ra đầu tháng này, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước xác định nhân dân luôn là trung tâm của mọi chính sách và các quyết định của Nhà nước, do đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân là thước đo quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, trật tự; nơi nào nhân dân còn lo lắng, bất an thì nơi đó công an chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Thế mới thấy, không bao giờ gánh hai chữ “ổn định” là nhẹ!
(Theo chinhphu.vn)