Tìm "đáp án đẹp" cho gạo thơm Việt Nam
Câu chuyện gạo ST25 đạt giải nhì tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra ở Mỹ”, trở thành cuộc tranh luận. Một số phê phán tại sao gạo ST25 đang giữ vị trí gạo ngon nhất thế giới 2019, lại đi dự thi để đạt giải nhì năm 2020? Cách quảng bá và tiếp thị ST25 thông qua cuộc thi như vậy có hiệu quả gì? Mỗi người có một cách nhìn khác nhau, nhưng trên tất cả là xuất phát từ niềm tự hào, kỳ vọng bước đầu của hạt gạo ST25.
Còn nhớ cách đây gần 3 năm, khi gạo ST24 của Việt Nam được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”, nó như một que diêm thắp lên câu chuyện quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam. Kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của dòng gạo thơm ST) đã thuyết minh về ST24 một cách rất hấp dẫn: “ST24 là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc điểm gạo thơm ST24 là ngắn ngày (100-105 ngày) so với gạo Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày)...”. Đây là bước tiến không nhỏ của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu trong 20 năm qua. Và năm ngoái, cả ST24 và ST25 đều đạt chuẩn, chiếm ngôi vị gạo ngon nhất thế giới, nhưng chỉ được chọn 1, là ST25 đăng quang “ngôi vương”.
Trong 5 năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cố gắng xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu gạo vùng ĐBSCL. Cũng ngần ấy thời gian, dòng gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng rồi lan ra nhiều tỉnh, đạt giá trị xuất khẩu với mức cao. Bộ NN-PTNT nhanh chóng lấy giá trị hạt gạo xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu nâng cấp giá trị hạt gạo Việt. GS-TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp) nhìn nhận: “Quan trọng là nâng cao chất lượng hạt gạo Việt và đưa nó đi xa một cách bền vững, không phải năm này nhất, năm sau nhì. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có chiến lược thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu gạo ngon, từ khi có loại gạo được vinh danh ngon nhất thế giới?”.
Campuchia mới tham gia xuất khẩu gạo trong 10 năm gần đây, nhưng họ đã có hơn một nửa số lượng xuất sang châu Âu và gần như đuổi kịp Thái Lan trong xây dựng thương hiệu gạo. Campuchia đã “đi tắt đón đầu” khi năm 2009, Viện Nghiên cứu nông nghiệp của họ đã chọn được giống lúa mùa sớm Phka Romdoul - một giống lúa cho chất lượng gạo đặc biệt thơm ngon để xây dựng thương hiệu. Và Campuchia đã tiếp cận thị trường thế giới bằng cách mang gạo của mình dự thi đấu xảo quốc tế. Trong 3 năm liền (năm 2012-2014), gạo Phka Romdoul của Campuchia đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Với kết quả này, Campuchia khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng canh tác hữu cơ. Thương hiệu gạo Phka Romdoul của Campuchia hiện có mặt khoảng 60 quốc gia trên thế giới.
Theo các nhà sản xuất lúa giống ở ĐBSCL, sản phẩm nông nghiệp phải luôn khẳng định tính ổn định, chứ không phải ôm thành tích quá khứ để đi lòe thiên hạ. Gạo thơm Hom Mali của Thái vừa đạt giải nhất gạo ngon thế giới (năm 2020) đã hơn 10 lần tham dự giải và chỉ có 6 lần đạt giải. Gạo Phka Romdoul của Campuchia cũng có khoảng 6 lần tham dự và 3 lần đạt giải. Nhưng vì sao họ vẫn tham gia hàng năm? Họ muốn khẳng định tính ổn định của chất lượng gạo và có sản phẩm đối chứng để biết được sản phẩm của mình ra sao, nhằm có kế hoạch chọn lọc lại, loại bỏ nguồn gien không đạt…
Câu chuyện gạo ST25 đang được luận bàn sôi nổi từ người dân, giới kinh doanh gạo, chuyên gia... Và trong đó, có cả nỗi niềm của những người tạo ra dòng gạo thơm ST. Nói như GS-TS Võ Tòng Xuân: “Vấn đề đặt ra là Việt Nam đã có chiến lược gì đẩy mạnh xuất khẩu gạo ngon từ khi đã có loại gạo được vinh danh ngon nhất thế giới, để chuẩn bị chiếm lĩnh thị trường gạo ngon”. Đây là câu hỏi khá hay mà Bộ NN-PTNT và VFA phải giải đáp để tìm một “đáp án đẹp” cho hạt gạo thơm Việt Nam phát triển bền vững…
Theo sggp.org.vn