Thứ Hai, 14/12/2020, 20:47 (GMT+7)
.

Vì nghề hay vì người?

Chưa đầy 2 tháng sau đại hội, Hội Nhiếp ảnh TPHCM đã có thông báo về việc thay đổi kết quả bầu nhân sự lãnh đạo hội. 11 người trong ban chấp hành (BCH) khóa mới được bầu và ra mắt đại hội vào ngày 25-10, chỉ còn 6 đại biểu có số phiếu quá bán trúng cử và được công nhận, vị trí chủ tịch và phó chủ tịch hội cũng thay đổi hoàn toàn.

Trước ngày thông báo về việc thay đổi này, một thành viên phó chủ tịch hội mới đắc cử hồi tháng 10 đã nộp đơn từ chức, mặc dù trước đó anh trúng cử BCH khóa mới với số phiếu tín nhiệm cao nhất. Đây có lẽ là câu chuyện buồn ở thành phố có hoạt động nhiếp ảnh lớn trong cả nước.

Một hội khác tại TPHCM hiện vẫn chưa tiến hành tổ chức đại hội là Hội Nhà văn. Tuy nhiên, hiện trên mạng xã hội, câu chuyện văn chương được nhiều người quan tâm chẳng phải là giá trị học thuật của một tác phẩm nào đó mà là những ồn ào phía sau.

Những câu chuyện cũ đang được một hội viên lâu năm khơi lại bằng một bài viết trên trang cá nhân. Sau đó, người có liên quan đăng đàn giải thích tường tận với các bằng chứng rõ ràng. Không ít người thực sự thắc mắc, phải chăng đây là trò “mượn gió bẻ măng” trước thềm đại hội, nhằm hạ bệ uy tín người mà họ nghĩ có khả năng cao vào BCH? Nghi vấn này không phải không có cơ sở.

Thay đổi nhân sự lãnh đạo chưa đầy 2 tháng sau đại hội, ồn ào trên mạng xã hội trước thềm đại hội… là câu chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nội tình đã có bất hòa, những gút mắc chưa tháo gỡ nên dẫn đến bất bình trong hội viên là điều không tránh khỏi. Trong một tập thể, chuyện 9 người 10 ý cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, mục đích của các hội được lập ra là nơi để người trong nghề hỗ trợ nhau, tạo diều kiện cho người mới vào nghề phát triển, học hỏi và xây dựng môi trường làm việc hay hoạt động nghề nghiệp ngày càng tốt hơn. Điều này dường như bị khuất lấp bởi những ồn ào hậu trường đẩy câu chuyện đi quá xa, khiến người mới ái ngại vào hội, người có tâm huyết chỉ muốn từ bỏ.

Những chuyện thật sự đáng tiếc, tuy nhiên chúng ta vẫn còn thời gian để kịp nhìn nhận và chấn chỉnh lại hoạt động ở các hội nghề nghiệp. Đừng chờ đến khi chẳng còn “cánh én” nào mới ngỡ ngàng rằng mình đã đánh mất cả “mùa xuân”.

.
.
.