.

Khi cấp trên chỉ đạo sai thì cấp dưới ứng xử ra sao?

Cập nhật: 09:37, 13/01/2021 (GMT+7)

Qua các vụ án được xét xử thời gian qua và sắp tới, chúng ta thấy nhiều khi khởi phát của sự vi phạm không phải từ cấp dưới mà chính là từ cấp trên, nhưng vì lý do này, lý do khác mà cấp dưới làm theo sự chỉ đạo sai của cấp trên mà “đi chung xuồng” sai phạm.

Những mệnh lệnh, chỉ đạo đúng pháp luật sẽ được thực hiện là lẽ đương nhiên nhưng khi cấp trên đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh mà không tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp hoặc trái luật thì sao?Thực tế trên đặt ra vấn đề: Người lao động (cấp dưới) chấp hành mệnh lệnh cấp trên vừa là quy tắc ứng xử chuẩn mực trong công việc, vừa tuân theo các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người lao động nói chung.

Một trong những yêu cầu, biểu  hiện khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, Công chức quy định rõ cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên.

Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.

Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Điều 11 Luật Viên chức quy định viên chức có quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

Theo Điều 55 Luật Kế toán thì kế toán trưởng có quyền và trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị.

Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

Các quy tắc ứng xử trong công việc và luật pháp đã quy định rõ ứng xử của người lao động trong việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên trong thực tế người lao động vì nhiều lý do khác nhau đã có nhiều ứng xử khác nhau dù biết rất rõ là cấp trên chỉ đạo sai pháp luật.

Ứng xử đúng là từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.

Tuy nhiên, với cách này người lao động dễ bị mất việc hoặc bị chèn ép nên có người lao động chọn cách thỏa hiệp với mệnh lệnh sai trái của cấp trên thành ra trở thành vi phạm pháp luật và trên thực tế nhiều người lao động đã phải ra tòa cùng với cấp trên khi sự việc bị phát giác. Đó là chưa kể đến khả năng người lao động không phát hiện mệnh lệnh của cấp trên là vi phạm pháp luật.

Vì vậy, người lao động phải có cách ứng xử khôn khoan, đúng luật khi cấp trên ra mệnh lệnh trái luật để tự cứu mình, cứu danh dự và cứu công việc của mình. Đành rằng “ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày” nhưng khi biên đạo múa chỉ đạo sai thì vũ công cũng phải biết can ngăn, chứ cứ nhắm mất múa theo thì cả vở diễn công toi.

M.T

.
.
.