Chủ Nhật, 10/01/2021, 20:57 (GMT+7)
.

Xây chắc bản sắc Việt!

Phát triển kinh tế đêm, theo phê duyệt đề án từ 2 đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 4 và tháng 6 năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo Quyết định số 1129 vào cuối tháng 7 năm 2020. Đây là quyết sách phù hợp, kịp thời, và cần nhân rộng theo đúng lộ trình của giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Đêm trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Đêm trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Kinh tế ban đêm ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đã trở thành điểm nhấn đặc sắc cũng như đem đến lợi nhuận không phải bàn cãi với nhiều quốc gia muốn phát triển du lịch ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Những khung cảnh choáng ngợp tại Bangkok, Macau, Singapore hay Pattaya đã từ lâu được xem là thiên đường của những hoạt động về đêm, thu hút hàng triệu lượt du khách.

Nhưng tại Việt Nam, các mô hình tương tự chưa hẳn đã khả thi trong bối cảnh chúng ta chưa có những thử nghiệm nghiêm túc để hướng tới sự hòa hợp trong một bức tranh chung. Thực tế, vào lúc này, các đầu tàu được kỳ vọng như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cần thêm thời gian để sẵn sàng cho một “trận đánh lớn”. Ở rất nhiều khía cạnh, các địa phương dù lớn đến đâu cũng vẫn cần sự trợ giúp, giám sát và hỗ trợ từ trung ương. Từ các cơ quan chức năng chuyên ngành. Hay cả từ chính những người dân sinh sống tại các điểm nóng của đề án triển khai kinh tế đêm.

Tại các điểm du lịch đêm danh tiếng mang về lợi nhuận hay sức lan tỏa của cộng đồng trên toàn cầu, dễ thấy các nét văn hóa nhân văn và thú vị như ẩm thực, âm nhạc đường phố… chỉ chiếm thị phần khiêm tốn, nếu không muốn nói là mang tính hình thức cao. Theo kèm đó luôn là các tổ hợp vui chơi, các quán bar không ngủ, các casino thâu đêm suốt sáng, hay cả những dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” khó tránh khỏi liên đới với các tệ nạn xã hội.

Nói vậy để chúng ta cùng hiểu rằng, dù việc phát triển kinh tế đêm là nhu cầu cần thiết cho ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, nhưng không vì thế mà Việt Nam sẵn sàng tiếp cận nó một cách một vội vã, bất chấp những hệ lụy hay thách thức đối với văn hóa nền hay an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Đi kèm theo những thuận lợi thấy rõ từ nền kinh tế số và xu hướng phát triển tất yếu các ngành nghề mới, kinh tế đêm vẫn là bài toán không dễ giải với những nhà hoạch định chính sách. Ở đây, ta đang nói về một hành lang pháp lý hoàn thiện và cởi mở hơn, vấn đề hài hòa giữa vận hành và thử nghiệm một mô hình mới, sự đối chọi giữa di sản và phát triển đô thị hiện đạo. Đó là những yếu tố có tính căn cơ, nhưng bắt buộc đối với một ngành nghề có tính đặc thù cao. Đặc thù mà không phải là một bộ phận tách rời với nền kinh tế. Độc đáo mà không lạc lõng. Hài hòa mà không chịu áp đặt bởi những mệnh lệnh hành chính khô khốc!

Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phú Quốc hay Cần Thơ? Tất cả những cái tên kể trên đều mang dáng dấp đáng chờ đợi của nền kinh tế đêm thu hút khách du lịch. Nhưng trước hết, chúng ta vẫn cần nhìn về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những địa danh phù hợp nhất của kim chỉ nam về ưu thế kiểm soát và phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế về đêm, đó rõ ràng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn đang ở trước mắt và những khó khăn vẫn còn hiển hiện. Vẫn còn rất nhiều điều còn hiện hữu cần các cơ quan chức năng chung tay giải quyết, thay vì đẩy quả bóng tới các thành phố trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Đó là vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và rác thải ở các khu vực có mật độ dân cư cao. Là ý thức của người dân trong việc xả rác, xả thải hay chức năng của các lực lượng xử lý vi phạm. Là những không gian an toàn, lành mạnh, văn hóa cao cho chính những người dân địa phương, chứ không phải chỉ khách du lịch. Là những khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng thú vị và đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ cho thanh thiếu niên, mà còn cho người già, trẻ em.

Ở phương diện nào đó, đây mới chính là những tế bào cấu thành sự bền vững của văn hóa bản địa. Những người sinh ra, lớn lên, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ, xây dựng và duy trì nét đẹp, nét độc đáo của bản sắc ngàn đời.

Bản sắc Việt!

Trong những ngày đầu năm 2021, 8 tuyến phố đã được mở rộng nằm trong không gian phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm. Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, tất cả các nguồn lực đều đã được Quận chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện các chủ trương lớn từ Thành phố. Ở đây, dù trọng tâm là phát huy những nét đặc sắc của văn hóa phố cổ, nhưng việc tập trung bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, kiến trúc, cũng như đảm bảo sinh hoạt của người dân vẫn sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Tuấn, Chủ tịch phường Hàng Bông cũng cho biết, hiện cư dân đang sinh sống tại phường đang rất háo hức với đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn. Cụ thể, lần đầu tiên Hàng Bông sẽ là nơi thí điểm xây dựng tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân trở thành tuyến không gian đi bộ 24/7. Đây sẽ là tuyến phố đầu tiên thực hiện khẩu hiệu “văn minh thương mại” cấp Thành phố, với các tiêu chí căn bản được xây dựng và niêm yết công khai về Vệ sinh môi trường, Vệ sinh an toàn thực phẩm, chống chèo kéo - bán phá giá, có nơi trông giữ xe thuận tiện, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ v.v.


(Theo https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/xay-chac-ban-sac-viet-572203.html)

.
.
Liên kết hữu ích
.