Thứ Bảy, 13/03/2021, 18:19 (GMT+7)
.

Thông điệp 8G và đường truyền "cao tốc" cho ĐBSCL

(ABO) Thông điệp 8G được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ 3 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại TP. Cần Thơ vào sáng ngày 13-3.

Thông điệp 8G củaThủ tướng Chính phủ cũng đã gợi mở cho chiến lược phát triển ĐBSCL trong chặng đường sắp tới, bởi nó được tóm lượt từ các yếu tố mang tính trọng điểm của ĐBSCL.

Đó cũng là những bài toán khó cần được tính toán, tìm ra lời giải thích hợp cho vùng đất được mệnh danh là trù phú về lương thực, cá, tôm, trái cây…

Diện mạo ĐBSCL đã thay đổi nhiều sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Diện mạo ĐBSCL đã thay đổi nhiều sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Bởi thông điệp 8G (Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới) được Thủ tướng đặt ra liên quan đến nhiều vấn đề lớn như đầu tư phát triển giao thông, giáo dục, gắn kết hay huy động nguồn lực, vấn đề già hóa dân số của vùng… Trong thông điệp này, khái niệm “kinh tế sông” cũng được đặt ra, bởi nó thích ứng với lợi thế và tiềm năng của toàn vùng. Và như thế, thông điệp 8G được Thủ tướng Chính phủ đặt ra cũng nhằm hướng đến mục tiêu cốt lõi là vùng đất trù phú ĐBSCL sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Tất nhiên, để thực hiện hoàn thành thông điệp 8G cũng cần lắm một đường truyền “cao tốc” cho ĐBSCL.

Một trong những yếu tố tạo nên đường truyền “cao tốc” cho ĐBSCL chắc chắn phải được dựa trên nguồn lực đầu tư. Điều này một lần nữa đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại hội nghị. Đó là, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như thế, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như: Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng…

Kinh tế sông được đặt ra để khai thác tiềm năng và lợi thế của ĐBSCL.
Kinh tế sông được đặt ra để khai thác tiềm năng và lợi thế của ĐBSCL.

Và tất nhiên, muốn hoàn thành thông điệp 8G thì không chỉ có nguồn lực đầu tư. Vì lẽ đó, những câu hỏi làm sao? cho ĐBSCL được các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL nhắc đi nhắc lại. Câu chuyện làm sao cũng được Th.s Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị lần thứ 3 về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại TP. Cần Thơ sáng 13-3.

Theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện, một trong những trở ngại của ĐBSCL là quán tính tư duy cũ. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Cứ đi đường cũ thì sẽ tiếp tục phải “vật lộn” để duy trì cho được lối đi cũ. Làm sao giải quyết cho được chuyện hạn, chuyện mặn, để tiếp tục sản xuất ra số lượng lớn lúa gạo, trái cây, thậm chí trong mùa khô ở ven biển mà không bị ảnh hưởng, thiệt hại gì bởi hạn, mặn. Làm sao canh tác liên tục ba vụ, vắt đất cho ra lúa gạo thật nhiều mà đất không cạn kiệt, người dân không bỏ đồng bằng ra đi. Làm sao để bao đê chống lũ cho ruộng đồng khô ráo để trồng lúa mà lũ không gây ngập nơi khác. Làm sao đắp bít cửa sông cho khỏi mặn, biển không liên lạc được với sông mà biển vẫn khỏe mạnh vẫn cho nhiều cá, tôm….

Những câu hỏi làm sao như thế luôn là nỗi lo cho bức tranh chung của ĐBSCL không chỉ ở hiện tại mà còn ở những bước đi tiếp theo. Tất nhiên, công bằng mà nói rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, diện mạo của ĐBSCL đã thay đổi rất nhiều.

Nhưng trong chặng đường sắp tới, vùng đất trù phú như ĐBSCL chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Và hơn hết, thông điệp 8G và đường truyền "cao tốc" cho ĐBSCL cần được tiếp tục đẩy nhanh.

T.T

.
.
.