Thứ Hai, 26/04/2021, 16:37 (GMT+7)
.

Giảm phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trung bình mỗi năm đạt hơn 3 tỷ USD. Thế nhưng, nông sản Việt chưa phát huy được thế mạnh để cạnh tranh với nhiều quốc gia khác do chi phí logistics còn cao. Để giảm chi phí, mỗi vùng sản xuất cần xây dựng trung tâm logistics để tăng năng lực cạnh tranh, nâng chất lượng sản phẩm.

Chất lượng phụ thuộc bảo quản

Hiện nay, ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Ngoài hạ tầng giao thông chưa phát triển, khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, hệ thống trung tâm vệ tinh, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Bên cạnh đó, ĐBSCL chỉ có 3 trung tâm logistics không đủ phục vụ cả vùng.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đưa ra dẫn chứng, hiện tại, chi phí logistics cho thanh long của Việt Nam qua Mỹ, EU chiếm hơn 30% sản xuất. Nếu chuyển đường hàng không chi phí cao gấp 15 lần so với đường biển. Trong khi đó, Thái Lan chi phí logistics cho thanh long chỉ tốn khoảng 15% sản xuất.

Đơn cử, tỉnh An Giang canh tác xoài đạt chuẩn chất lượng cao, hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, công ty phải vận chuyển xoài từ An Giang về Bến Tre để sơ chế, bảo quản. Thường, trái cây sau khi cắt cành cần được bảo quản vào kho lạnh ngay. Nếu để lâu môi trường bên ngoài, trái cây sẽ càng giảm “tuổi thọ”; trung bình cứ để bên ngoài một giờ sẽ giảm một ngày.

Do đó, Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nếu có nhiều trung tâm logistics, hạ tầng hoàn chỉnh sẽ tăng năng lực trái cây và nông dân được hưởng lợi từ giảm giá thành trong khâu vận chuyển.

a
Nông dân Bến Tre thu hoạch bưởi. Ảnh: QUÝ NGỌC

Theo ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa (Hậu Giang), sản phẩm mãng cầu của nông dân đạt chuẩn nhưng không thể chở ra vùng nguyên liệu để bán, mà chỉ tiêu thụ tại chỗ. Hầu như, nông dân chỉ bán được cho vài thương lái, dẫn đến thường bị ép giá.

Chuyên xuất khẩu trái cây hàng đông lạnh, bà Lê Thị Thu Trúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, chia sẻ, chuyện xây dựng hạ tầng, trung tâm logistics là vướng mắc từ xưa đến nay của doanh nghiệp nông sản vùng ĐBSCL mà chưa có hướng ra. Đến mùa vụ, công ty phải “tận sức” mua sản phẩm của nông dân, HTX để dự trữ cho cả năm. Dù đã có nhà kho để dự trữ nhưng không thể thu mua hết sản lượng của nông dân. Nếu xây dựng thêm kho sẽ tốn chi phí mặt bằng, xây dựng, vận hành rất cao nhưng chỉ sử dụng được theo mùa vụ, không đạt hiệu suất kinh doanh.

Hiện nay, quy trình nông dân thu hoạch bán cho thương nhân, thương nhân bán cho vựa, vựa bán cho nhà sản xuất, nhà sản xuất tiếp tục bán cho nhà chế biến hoặc xuất khẩu. Cứ như vậy, qua mỗi công đoạn lại tốn phí trung gian cho thương nhân và vận chuyển, từ đó làm tăng giá thành.

Mỗi vùng sản xuất cần một trung tâm

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Có thể thấy, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, từ đó tạo đầu ra bền vững cho nông dân. Cho nên, việc tập trung liên kết vùng, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa là cấp bách, đặc biệt, cần sớm có mô hình sản xuất, chế biến, hiệu quả. Để đạt được kỳ vọng này rất cần sự chung tay từ Nhà nước, doanh nghiệp.

Nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Trung tâm Logistics Hạnh Nguyên, phân tích, trung tâm logistics bao gồm kho lạnh, khu sơ chế, nhà máy chế biến… để nông sản không phải qua nhiều thương nhân, nhiều khâu vận chuyển. Trung tâm logistics có nhà sản xuất, nhà chế biến và nhà xuất khẩu. Điều này giúp nông dân không bị áp lực về thời gian chốt giá, thoải mái tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lợi nhuận công bằng so với công sức, tiền của đã đầu tư, không còn cảnh “giải cứu nông sản”.

Với quy trình bảo quản nghiêm ngặt, nông sản được bảo quản đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như hiện nay. Trung tâm còn mở ra hàng trăm gian hàng trưng bày sản phẩm để các doanh nghiệp giao dịch với các nhà nhập khẩu quốc tế. Đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu quốc tế không cần phải đi khắp vùng ĐBSCL để tìm kiếm nguồn nông sản nhập khẩu như trước đây mà chỉ cần đến trung tâm trên để lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.

Dù Nhà nước đã có định hướng, chính sách, quy hoạch nhưng nông dân, HTX vẫn “mạnh ai nấy làm”, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Sài Gòn, nhận định. Trước tiên, mỗi vùng trồng cần có trung tâm logistics để bảo quản, sơ chế tại chỗ, tránh tình trạng “quá tải” vào mùa vụ, sau khi thu hoạch, nông sản sẽ được bảo quản ngay lập tức. Hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể, mỗi địa phương tự sản xuất kiểu như “đèn nhà ai nấy sáng”.

Muốn thành công, các địa phương cần có chính sách cho nhà đầu tư như vốn, đất đai… Nếu các trung tâm logistics liên kết được với nhau sẽ tạo được vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn, gắn với công nghệ cao, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với các thị trường thế giới. Ở góc độ địa phương cần hoàn thiện hạ tầng, các khu công nghiệp theo hướng hiện đại có tính liên kết với các trục giao thông chính, khai thác cảng hiệu quả để lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
Nhập hàng Trung Quốc tại Cbay Logistics Hướng dẫn cách tra phí vận chuyển quốc tế nhanh chóng và chính xác
.