Trách nhiệm với an toàn trường học
Vì sao cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về đảm bảo an toàn trường học nhưng rủi ro, tai nạn vẫn xảy ra? Ai phải chịu trách nhiệm khi học sinh mất an toàn ngay trong môi trường học đường?
Các em học sinh Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (Đà Nẵng) bị ngộ độc khi chơi slime được chăm sóc tại bệnh viện. |
Gầy đây, liên tục xảy ra các vụ việc mất an toàn với học sinh trong trường học: Một nam sinh tại Đà Nẵng bị bạn nhỏ dung dịch lạ vào miệng phải cấp cứu; nhiều học sinh tại Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn giữa giờ; nghiêm trọng nhất là vụ việc 35 học sinh Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị ngộ độc sau khi tiếp xúc với đồ chơi slime.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh luôn được các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục đề cao. Song, vì sao cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về đảm bảo an toàn trường học nhưng rủi ro, tai nạn vẫn xảy ra? Ai phải chịu trách nhiệm khi học sinh mất an toàn ngay trong môi trường học đường?
Có thể thấy rõ, ngày càng nhiều thú chơi, trò chơi từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, được giới trẻ đón nhận. Bên cạnh mặt tích cực là những hiểm họa rập rình thông qua các trò chơi, thú chơi, như: thuốc lá điện tử pha dung dịch cần sa, cỏ Mỹ và các tiền chất ma túy; tự chế “chất nhờn ma quái” slime như vụ việc ở Đà Nẵng,… đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể.
Những thú chơi, trò chơi này được các em tiếp cận rất nhanh, âm thầm làm theo sự hướng dẫn thông qua mạng xã hội. Thậm chí, nhiều em lập các nhóm kín trên Facebook để trao đổi những thú chơi, trò chơi “độc lạ” mà không lường hết nguy cơ với an toàn sức khỏe bản thân.
Điều lo lắng là, trong khi các em, với sự tò mò của tuổi mới lớn, đã hồ hởi tiếp cận và chia sẻ cho nhau, thì các bậc phụ huynh, thầy cô chưa kịp hiểu rõ về chúng. Rất nhiều trường hợp khi con em xảy ra tai nạn đáng tiếc thì các bậc phụ huynh, thầy cô mới giật mình...
Không chỉ vậy, những hiểm họa đang rình rập, bủa vây trước cổng trường còn từ các tiệm tạp hóa, xe bán hàng rong. Không ai biết bên trong những chiếc xe ấy bán những hàng hóa gì, nguồn gốc xuất xứ ra sao, có an toàn không…, mặc dù học sinh “bu đen bu đỏ” để mua mỗi ngày. Công tác quản lý đối tượng này hiện vẫn còn nhiều kẽ hở.
Sau khi cơ quan chức năng và địa phương ra quân dẹp, tình trạng đâu lại vào đấy. Hàng rong tồn tại trước cổng trường lâu nay đã là nét văn hóa gắn với lứa học trò. Mặt khác, những quầy hàng rong ấy còn là sinh kế của nhiều gia đình. Nhưng, dẫu là văn hóa hay là sinh kế thì an toàn về sức khỏe, sinh mạng của học sinh phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các hàng quán, hàng rong trước cổng trường phải được đưa vào diện quản lý và được kiểm tra thường xuyên, không thể thả nổi như lâu nay.
Tất cả các giải pháp trong quản lý nhà nước sẽ không phát huy hiệu quả nếu như các bậc phụ huynh đứng ngoài cuộc. Việc trang bị điện thoại thông minh, cho con nhiều tiền nhưng không có biện pháp quản lý đúng đắn, sẽ góp phần đẩy con mình vào chỗ hiểm nguy.
Để giáo dục trẻ em toàn diện về mọi mặt, nhất thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng của gia đình, nhà trường và xã hội. Sẽ là thất bại nếu trách nhiệm giáo dục trẻ bị “đổ” hết cho ngành giáo dục.
(Theo sggp.org.vn)