.

Để trụ đỡ được vững chắc hơn

Cập nhật: 20:20, 18/05/2021 (GMT+7)

(ABO) Kịch bản nào cho tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là điều mà không ít người quan tâm.

Nhiều hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức những ngày gần đây cũng nhằm hướng đến tìm lối ra hữu hiệu trong bối cảnh tác động của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác.

Bởi trên thực tế, qua các đợt dịch bệnh trước, nông sản là một trong những nhóm ngành chịu tác động nặng nề nhất. Những đợt “giải cứu” vì thế cũng được đưa ra nhằm góp phần giải quyết đầu ra, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Tất nhiên, “giải cứu” nông sản cũng chỉ mang tính chất tình thế trong từng thời điểm cụ thể khi tình hình tiêu thụ gặp khó.

kết nối tiêu thụ nông sản là mục tiêu đang được đặt ra.
Kết nối tiêu thụ nông sản là mục tiêu đang được đặt ra.

Bức tranh tiêu thụ nông sản những ngày tới đây tiếp tục được soi chiếu qua tác động của dịch Covid-19. Và chắc chắn rằng nhóm ngành hàng này cũng sẽ chịu tác động. Những đợt rớt giá của nhiều nhóm ngành hàng như bưởi, thanh long, mít Thái… gần đây cũng đã và đang phản ánh thực tế này.

Con số thống kê của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng cho thấy, bức tranh tương đối khó khăn của tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Nhìn vào con số cụ thể mới thấy, tính đến tháng 5-2021, ước sản lượng xuất khẩu thủy sản giảm 1,5%; sản lượng xuất khẩu rau, quả giảm hơn 36% và sản lượng xuất khẩu gạo giảm hơn 76% so với cùng kỳ và hiện có khoảng 18% cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thế nhưng, nhìn trên phương diện tổng thể hơn, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, Tiền Giang xác định nông nghiệp là một trụ đỡ rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Chính vì lẽ đó, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, nông sản nói riêng cần có lời giải hiệu quả hơn. Tăng cường kết nối cung cầu, trong bức tranh thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, sẽ là giải pháp được các bộ, ngành địa phương ưu tiên tính toán, cân nhắc.

Nhìn vào bức tranh chung của cả nước, kịch bản cho tiêu thụ nông sản nói riêng hay giải pháp cho phát triển bền vững ngành Nông nghiệp nói chung chắc chắn sẽ được bàn thảo một cách kỹ lưỡng để tìm ra hướng đi hợp lý hơn. Nhiều giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn cũng đã được các bộ, ngành tính toán.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 vào ngày 14-5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đã đề nghị điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản bằng cách triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù đối phó Covid-19; triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản; tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan…

Đây cũng là bài toán dài hơi khi ngành Nông nghiệp liên tục chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi như dịch bệnh, hạn, mặn, biến đổi khí hậu. Và tất nhiên, khi thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, thì trụ đỡ nông nghiệp phải cơ bản được đảm bảo.

A.P

.
.
.