Thứ Sáu, 18/06/2021, 16:28 (GMT+7)
.

Báo chí cạnh tranh với mạng xã hội bằng thông tin chính xác

(ABO) Trong thời đại bùng nổ thông tin với sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội khiến cho ai cũng có thể trở thành “nhà báo”. Từ đó, các thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội đã được cập nhật liên tục, thu hút đông đảo công chúng quan tâm theo dõi. Chính vì vậy, vấn đề đang đặt ra hiện nay là báo chí phải tìm hướng đi phù hợp để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh thì “thực trạng tin giả tuy xuất hiện đã lâu nhưng nhờ mạng xã hội, đã được phát tán rộng hơn, nhanh hơn và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả”. Chính vì vậy, báo chí cần cạnh tranh với mạng xã hội bằng thông tin chính xác để lôi kéo độc giả bằng độ tin cậy cao của thông tin.

a
Báo chí cần cạnh tranh với mạng xã hội bằng thông tin chính xác để lôi kéo độc giả bằng độ tin cậy cao của thông tin. (Trong ảnh: Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Giải Việt dã Báo Ấp Bắc năm 2019). Ảnh: Bạch Cúc

Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh thông tin với mạng xã hội ngày càng khốc liệt, thì báo chí, nhất là báo mạng điện tử xuất hiện nhiều vấn đề khiến cho một bộ phận độc giả mất niềm tin vào báo chí. Đó là hiện tượng “tin giả”, khai khác và xử lý nguồn tin một chiều, “cắt cúp”, tô đậm một vài “lát cắt” theo hướng chỉ chọn những chi tiết tiêu cực nhằm làm tăng tính hấp dẫn của thông tin.

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, báo chính thống trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xuất hiện tin giả. Chính vì vậy mà chưa bao giờ công chúng thiếu niềm tin vào báo chí như hiện nay. Thống kê vào năm 2018, niềm tin đối với báo chí chính thống tại Việt Nam chiếm 59% so với mạng xã hội; đến năm 2019 tăng lên 65%.

Còn nhớ có lần chúng tôi nhận được nguồn tin chiếc xuồng chở 3 em học sinh bị chìm trên sông Tiền, tại khu vực xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. May mắn là khu vực xuồng chìm có một đơn vị doanh nghiệp, vì vậy khi các em đang chới với dưới dòng nước cuộn chảy thì có anh bảo vệ phát hiện và ứng cứu kịp thời.

Nghe tin báo, chúng tôi lập tức về huyện Cai Lậy ngay trong chiều hôm ấy và được tiếp cận anh bảo vệ, nghe anh tường thuật lại việc cứu 3 em nhỏ. Điều đáng buồn là ban lãnh đạo doanh nghiệp trên đã “khéo léo” gợi ý cho chúng tôi đưa tin theo hướng anh giám đốc đã phát hiện và cứu 3 em học sinh. Tất nhiên là chúng tôi không thể.

Vài hôm sau, một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh giật tít ngay trang nhất giám đốc doanh nghiệp trên đã cứu 3 em học sinh khỏi chết đuối trên sông Tiền. Thông thường, khi đọc một bản tin như vậy, người đọc có cảm giác vui mừng vì các em nhỏ đã được ứng cứu kịp thời. Thế nhưng trong trường hợp này, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng, bởi nhà báo đã xử lý nguồn tin không đúng với bản chất sự việc. Đó không hoàn toàn là tin giả, nhưng cũng không thể gọi là tin thật.

Từ đó cho thấy, khai thác và xử lý nguồn tin đang là vấn đề đặt ra cho người làm báo hiện nay. Trung thực, công tâm, khách quan trong xử lý nguồn tin để cung cấp cho độc giả những thông tin chính xác nhất, đúng với bản chất của sự kiện, sự việc không chỉ là đạo đức của người làm báo, mà còn là vấn đề mang tính sống còn trong bối cảnh báo chí phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội.

THIÊN LÊ

.
.
.